Thứ bảy, ngày 08/02/2025

Không đội mũ bảo hiểm - “đánh đu” với tử thần (phần 2)

Thứ sáu, 15/05/2009 00:00 GMT+7
Nhiều người biết Luật Giao thông đường bộ, quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và biết cả sự an toàn khi đội mũ bảo hiểm để bảo vệ vùng đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều những đối tượng cố tình không chấp hành. Để giải quyết triệt để những vi phạm này
Nhiều người biết Luật Giao thông đường bộ, quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và biết cả sự an toàn khi đội mũ bảo hiểm để bảo vệ vùng đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều những đối tượng cố tình không chấp hành. Để giải quyết triệt để những vi phạm này, các đơn vị liên quan cần phải tìm ra đâu là mấu chốt của vấn đề để “chẻ” tận gốc rễ những vi phạm, góp phần đảm bảo TTATGT của Thủ đô.

Trong khi đa số người dân đều đội mũ bảo hiểm thì những thanh niên này vẫn coi thường chính mạng sống của mình

Những con số “biết nói”

Những hình ảnh của các nạn nhân bị TNGT được Bệnh viện Việt Đức dán ở cổng bệnh viện như là một hình thức tuyên truyền đến người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong đó có quy định đội mũ bảo hiểm. Những tấm thân quằn quại trong đau đớn. Những thương tật khủng khiếp trên cơ thể, in dấu nỗi đau khó khỏa lấp trên những nạn nhân mà còn cả gia đình họ. Nhìn vào những tấm hình này, người vô cảm nhất cũng dễ nhận thấy sự tàn khốc cũng như hậu quả khi TNGT xảy ra. Số liệu thống kê của Bệnh viện Việt Đức cho biết trong tất cả số ca bệnh nhân liên quan đến TNGT phải nhập viện có đến 80% số bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, với những chấn thương vô cùng nặng.

Một điểm đáng chú ý là có hơn một nửa trong số bệnh nhân đó bị TNGT liên quan đến việc không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai an toàn. Điều đáng nói đại đa số những bệnh nhân nhập viện có tuổi đời đều rất trẻ. Họ là lực lượng lao động chính trong gia đình, của xã hội. Nhiều bệnh nhân do bị thương quá nặng đã không qua khỏi hoặc có những bệnh nhân khi điều trị xong thì trí nhớ không thể hồi phục, mất đi khả năng nhận thức. Vô hình trung họ lại trở thành nỗi đau cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo Phòng CSGT, trung bình một ngày trên địa bàn toàn thành phố có tới gần 1.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị lực lượng CSGT xử phạt. Qua thống kê, hơn nửa trong số đó là các trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm. Đây thực sự là con số đáng báo động trước tình trạng “thờ ơ”, coi thường tính mạng của người dân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Đoàn Văn Hòa-quyền Đội trưởng Đội CSGT dẫn đoàn-Phòng CSGT cho biết: “Chỉ tính riêng từ ngày 27-4 đến ngày 8-5 vừa qua, lực lượng CSGT đã xử lý gần 1.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai trên địa bàn nội đô”.

Cũng theo Phòng CSGT, trong vòng 1 tháng (từ ngày 28-3 đến 28-4) thực hiện Kế hoạch số 52, lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện, kiểm tra và xử lý hơn 15.425 trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm, trong đó Phòng CSGT xử lý 13.580 trường hợp; lực lượng CSGT các huyện ngoại thành xử lý 1.575 trường hợp. Số trường hợp vi phạm bị xử lý so với cùng kỳ thời gian trước đó đều tăng. Điều này thể hiện sự vào cuộc tổng thể mạnh mẽ và kiên quyết của CGST cũng như các đơn vị có liên quan trong vấn đề xử lý vi phạm mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, mặt khác những số liệu thống kê trên cũng thể hiện việc vi phạm không đội mũ bảo hiểm của người dân khi điều khiển môtô, xe máy ở những tuyến đường của Thủ đô, đặc biệt là ở các quận nội thành, trung tâm của thành phố trên thực tế vẫn còn nhiều.

Cần kiên quyết và đồng bộ

Nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm, theo Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT trong thời gian tới lực lượng CSGT cần tập trung làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa theo các kế hoạch của Ban Giám đốc CATP cũng như của Phòng CSGT đã đề ra. Thực tế công tác cho thấy, những đối tượng cố tình không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm đa phần đều tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên và thậm chí là cả học sinh, sinh viên. Hiện nay chế tài xử phạt vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm chỉ dừng lại ở mức 150.000-200.000đ/trường hợp. Với mức phạt như trên, theo đánh giá của lực lượng chức năng là chưa đủ sức răn đe.

Ở cổng Bệnh viện Việt Đức, người dân đều có thể thấy những hình ảnh đau lòng bắt nguồn từ TNGT

Nhiều đối tượng “sẵn sàng” nộp phạt để vi phạm. Vì vậy, trong một cuộc họp với Phòng CSGT vào đầu tháng 4 vừa qua, Đại tá Trần Thùy-Phó Giám đốc CATP đã lưu ý các CBCS Phòng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ cần phải linh hoạt xử lý tổng thể các lỗi vi phạm để có thể nâng mức xử phạt như giữ phương tiện đối với những trường hợp này. Việc bị lực lượng CSGT giữ phương tiện cũng khiến cho các trường hợp này “biết sợ” mà không dám tái phạm.

Với thời gian áp dụng quy định tất cả người dân đều phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy lưu thông trên đường đã có hiệu lực hơn 1 năm thì không có lý do gì người vi phạm lại đổ thừa rằng không biết đến quy định hoặc viện dẫn những lý do như nhà gần… để vi phạm. Những trường hợp này khi lực lượng CSGT phát hiện cần phải xử lý thật nghiêm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và TTATGT trên đường.

Theo nhận định của Phòng CSGT, tình trạng này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới khi mùa hè đến. Dù đã được tăng cường thêm các đơn vị khác thì lực lượng CSGT hiện nay vẫn quá mỏng, không thể bao quát được hết tất cả tuyến đường, địa bàn. Do đó, “gốc rễ” để giải quyết vấn đề bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra xử lý còn phụ thuộc vào chính ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

 

theo ANTD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)