Uỷ ban ATGT quốc gia vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo báo cáo cuối kỳ về Đề án nghiên cứu Quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ. Các ý kiến tham góp tại hội thảo là cơ sở để JICA bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo đề án, trong đó sẽ cụ thể hoá 3 mục tiêu giai đoạn từ năm 2008 đến 2012.
![](/YkienATGT/uploads/Image/xacdinh.jpg) |
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông sẽ góp phần đáng kể giảm TNGT |
Theo nhóm nghiên cứu của JICA, mục tiêu cụ thể đặt ra trong Đề án nghiên cứu Quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ là giảm số người chết vì TNGT xuống một nửa (theo con số năm 2007) hoặc giảm tỷ lệ người chết trên 100.000 dân xuống còn 6,4 người vào năm 2020. Đồng thời, nâng cao năng lực, chức năng của các cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác ATGT và xây dựng, thiết lập các quy định cần thiết để bảo đảm tính bền vững của các giải pháp ATGT.
Cụ thể, đề án xây dựng kế hoạch hành động với 3 mục tiêu trọng tâm trong 5 năm đầu tiên (2008 - 2012) là đa số người tham gia giao thông đều hình thành được thói quen tự giác chấp hành Luật GTĐB; giảm 5,2 - 6% số vụ TNGT qua từng năm, tương đương với giảm 25% số người tử vong vì TNGT và tăng cường năng lực, chức năng của các tổ chức liên quan đến ATGT đường bộ, đồng thời phát triển các thiết chế (luật, quy định) mới nhằm bảo đảm tính bền vững của các biện pháp ATGT.
Kế hoạch hành động xác định: Về hạ tầng giao thông phải đảm bảo xoá được 50% "điểm đen" TNGT trên các quốc lộ, giảm số vụ, số người chết liên quan đến môtô, xe gắn máy, giảm TNGT liên quan đến người đi bộ, người đi xe đạp và giảm TNGT ở khu vực đô thị.
Đối với hoạt động cưỡng chế bảo đảm ATGT, tập trung xử lý mạnh các lỗi vi phạm điển hình, nghiêm trọng và hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác cưỡng chế. Riêng công tác tuyên truyền, giáo dục phải đi sâu vào xây dựng, phát triển văn hoá giao thông, nhất là ở cơ sở, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục ATGT trong trường học.
Bên cạnh đó, công tác cấp cứu, chăm sóc những người bị TNGT phải được triển khai sâu rộng, kịp thời; việc kiểm định chất lượng phương tiện giao thông, sát hạch cấp GPLX phải được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý và đảm bảo ATGT phải được kiện toàn theo hướng chuyên trách (từ Trung ương xuống địa phương), bên cạnh xây dựng quỹ tài trợ ATGT và nâng cao chất lượng nguồn lực con người... Theo tính toán của JICA, tổng kinh phí dành cho các hoạt động bảo đảm ATGT theo kế hoạch hành động trong giai đoạn này khoảng hơn 1,9 tỷ USD.
Đại đa số đại biểu dự hội nghị đều nhất trí với các mục tiêu của nhóm nghiên cứu đưa ra trong kế hoạch hành động 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, về quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ còn nhiều ý kiến. GS, TS. Nguyễn Xuân Đào (Viện Nghiên cứu chiến lược GTVT) cho rằng, quy hoạch cần thể hiện vai trò của ngành xây dựng trong sự nghiệp bảo đảm ATGT, đặc biệt là quy hoạch liên quan đến các thành phố lớn.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, quy hoạch chưa đề cập đến mạng lưới GTNT; chưa thể hiện sự gắn kết giữa các thiết chế bảo đảm ATGT với phát triển tổng thể GTVT và phát triển giao thông công cộng; cần xây dựng thống nhất bộ cơ sở giữ liệu về TNGT; nhóm giải pháp cưỡng chế vi phạm ATGT phải được coi trọng hơn và nên chú trọng, kiện toàn phát triển bộ phận làm công tác ATGT ở các ban, ngành...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Uỷ viên ủy ban ATGT Quốc gia Lê Mạnh Hùng: Các ý kiến đóng góp vào Đề án nghiên cứu Quy hoạch tổng thể ATGT cần được nhóm nghiên cứu của JICA lưu ý tiếp thu bổ sung, hoàn thiện. Từ nay đến khi Đề án hoàn thành, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với JICA để có được một quy hoạch tổng thể nhất, toàn diện nhất, góp phần kéo giảm TNGT một cách bền vững.
nguồn banduong.vn