Năm 2008, ngành GD&ĐT cả nước đã có nhiều hoạt động tích cực đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo ATGT trường học; vận động, thu hút được đông đảo cấp ngành, hội, đoàn thể tham gia công tác giữ gìn trật tự ATGT học đường. Nhờ đó, số lượng học sinh vi phạm pháp luật ATGT và TNGT có xu hướng giảm, các cổng trường thông thoáng, an toàn hơn.
Ngay từ đầu năm, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT và Quỹ Toyota phối hợp với ngành GD&ĐT của khoảng 20 tỉnh, thành phố tổ chức "Hội thi vẽ tranh ATGT" cấp Tiểu học. Đây là hội thi được triển khai từ cơ sở, những đội lọt vào trận chung kết cấp tỉnh được lựa chọn từ cuộc thi cấp trường, huyện, thị và thành phố nên tính tuyên truyền, phổ biến rộng khắp. Tại hội thi, ngoài thi biểu diễn "Tiểu phẩm ATGT", các thí sinh sẽ tham gia phần thi "Vẽ tranh ATGT" trên giấy.
Ông Trần Quang ẫnh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: "Cuối tháng 11/2008, Sở đã tổ chức vòng chung kết "Hội thi vẽ tranh ATGT" cấp tiểu học cho giáo viên, học sinh. Thông qua phần thi "Vẽ tranh ATGT", Sở đã đánh giá lại trình độ hiểu biết Luật GTĐB của giáo viên, học sinh các trường tiểu học. Qua đó, Sở chỉ đạo các trường học điều chỉnh đổi mới công tác tuyên truyền, giảng dạy pháp luật ATGT để phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng học sinh và địa bàn trường học".
"Học sinh đi đò mặc áo phao" là cuộc vận động lớn được Bộ GD&ĐT phối hợp với ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Đường sông VN và Cục CSGT Đường thuỷ nội địa phối hợp tổ chức. Hàng nghìn áo phao đã được phát miễn phí cho học sinh địa bàn sông nước. Nhờ đó, nhiều học sinh tại các tỉnh, thành khi qua sông đến trường đã may mắn thoát khỏi "lưỡi hãi tử thần".
Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: "Ngoài cấp phát áo phao miễn phí, Sở còn tổ chức dạy bơi cho hàng ngàn học sinh; phối hợp với UBND các cấp tích cực kiểm tra, giám sát tình trạng học sinh qua đò ngang mặc áo phao tại các bến đò; đề nghị Ban ATGT tỉnh xử lý nghiêm các bến đò ngang không đủ tiêu chuẩn hoạt động".
Đáng lưu ý, trong năm học 2008 - 2009, ngành GD&ĐT còn phối hợp với Bộ Lao động Thương binh & xã hội, các ban ngành, đoàn thể tặng cặp phao cho học sinh tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An... và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tăng cường công tác quản lý, xây dựng mô hình Cổng trường đảm bảo ATGT là một trong những biện pháp đảm bảo trật tự ATGT hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc, vi phạm và TNGT học đường. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, yêu cầu Ban giám hiệu các trường kiện toàn "Ban chỉ đạo ATGT", thành lập lực lượng xung kích tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, phân luồng giao thông và xây dựng mô hình "Cổng trường đảm bảo ATGT".
Điển hình ở tỉnh Thanh Hoá, sau gần 5 năm triển khai, đến nay gần 200 mô hình "Cổng trường tự quản ATGT" thuộc 27 huyện, thị, thành phố được xây dựng, góp phần hạn chế tối đa vi phạm và TNGT khu vực cổng trường. Hay tại tỉnh Ninh Bình, trong 3 năm học gần đây, nhờ khoảng 100 mô hình "Cổng trường đảm bảo ATGT" nằm ven QL1A, QL10... nên các trường học không xảy ra TNGT liên quan tới giáo viên, học sinh khu vực cổng trường.
Tương tự địa bàn Tp. Hà Nội, năm học 2008 - 2009, 100% trường học tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn đã triển khai xây dựng mô hình "Cổng trường đảm bảo ATGT". Các trường học trên cả nước còn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xử lý nghiêm học sinh vi phạm pháp luật ATGT; yêu cầu các hộ kinh doanh, buôn bán gần trường học không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không cho học sinh gửi môtô, xe máy.
Thời gian qua, nhiều trường học đã tăng thời lượng và nâng cao chất lượng giờ học nội khoá, ngoại khoá ATGT bằng nhiều nội dung hấp dẫn, đa dạng như biểu diễn hoạt cảnh, trắc nghiệm kiến thức, thi tìm hiểu ATGT, xây dựng "Khu vườn học ATGT", bảng tin ATGT, phát động phong trào sáng tác tiểu phẩm, bài hát ATGT... Nhiều trường học đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng sa bàn ATGT trên sân trường, tăng giờ học thực hành kỹ năng quan sát, tham gia giao thông của học sinh. Như tại tỉnh Nghệ An, trong năm 2008, ngành GD&ĐT đầu tư kinh phí, mua sắm gần 800 bộ sa bàn cho các trường học.
Ở Tp. Hà Nội, ngành GD&ĐT chỉ đạo cấp học mầm non chú trọng xây dựng thí điểm mô hình "Trường điểm ATGT" bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường hoạt động ngoại khoá, thực hành kỹ năng tham gia giao thông qua ngã tư đường phố. Hay tại Thừa Thiên - Huế, trong tháng 9 và 10/2008, ngành GD&ĐT đổi mới hoạt động ngoại khoá bằng hình thức tổ chức "Biểu diễn múa rối ATGT" mới lạ, gắn liền với điều kiện thực tế từng trường học trên địa bàn.
Cũng trong năm 2008, Bộ GD&ĐT còn phối hợp với ủy ban ATGT Quốc gia, các công ty, doanh nghiệp tài trợ phát tặng MBH miễn phí cho giáo viên, học sinh tại khoảng 15 tỉnh, thành phố.
nguồn banduong.com.vn