Năm qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi, cả nước bớt đi 1.512 người thiệt mạng và 2.446 người bị thương vì tai nạn giao thông. Đáng mừng hơn là hầu khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc (55/63) đều giảm đuợc thiệt hại về người. Đây là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.
Thành công trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 32 nói chung, trong việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy nói riêng, một lần nữa khẳng định chúng ta có đầy đủ khả năng huy động ý chí và sức mạnh toàn dân để chặn đứng, đẩy lùi hiểm họa tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá kết quả giảm tai nạn giao thông năm 2008 chưa thực sự vững chắc, tai nạn giao thông vẫn luôn là nguy cơ thường trực, là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, tác động mạnh đến sự phát triển bền vững và ổn định của nền kinh tế. Những hạn chế, tồn tại đã được ủy ban ATGT Quốc gia thẳng thắn chỉ ra: TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe chở khách gây ra còn nhiều. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chưa được cải thiện, mới xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng trên đường thủy.
Tình trạng đua xe trái phép còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương. Ý thức chấp hành pháp luật ATGT của đa số người tham gia giao thông chưa cao, vi phạm còn khá phổ biến. Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, buổi tối ở đô thị; việc quản lý chất lượng mũ chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ở từng nơi, từng lúc chưa kiên quyết, mới chỉ quán xuyến ở các tuyến quốc lộ, một số đường tỉnh trọng yếu và các sông kênh do Trung ương quản lý, do chưa đủ lực lượng. Việc thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg còn hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước và trật tự ATGT chậm được khắc phục. Hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý vận tải đường bộ chưa đồng bộ. Một số địa phương thiếu chủ động thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ...
Đó cũng chính là những vấn đề được ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo tập trung khắc phục trong thời gian tới, cùng với thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ, cụ thể ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2009. Mục tiêu phấn đấu là năm 2009 tiếp tục giảm tai nạn giao thông và thiệt hại về người so với năm 2008, trong đó số người thiệt mạng giảm 5 - 7% (theo Quyết định số 259/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, liên tục và được cụ thể hoá với Kế hoạch số 408/UBATGTQG ngày 22/12/2008 của ủy ban ATGT Quốc gia.
Trong đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn là công tác được ưu tiên với trọng tâm là xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giao thông Đường bộ 2008, bảo đảm chất lượng và thời gian để triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2009.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ ban hành 9 nghị định gồm: Nghị định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ; Nghị định về niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới; Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; Nghị định về danh mục hàng nguy hiểm, việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ; Nghị định về vận tải đa phương thức; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; Nghị định quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra kiểm soát trật tự ATGT. Các nghị định này sẽ được ban hành trước tháng 7/2009. Đồng thời, các bộ liên quan sẽ có 35 thông tư hướng dẫn chi tiết.
Năm 2009, trọng tâm công tác tuyên truyền cũng là nội dung Luật Giao thông Đường bộ 2008, nhất là những điểm mới, điểm sửa đổi về quy tắc giao thông, vận tải đường bộ, hạ tầng giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và cưỡng chế để nâng cao hiệu quả.
Cụ thể, ngay từ tháng 1 cho đến hết năm 2009, sẽ lần lượt thực hiện các chiến dịch tuyên truyền theo chủ đề như: đi đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ xe; vỉa hè cho người đi bộ; không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện; không vi phạm tốc độ quy định; đội mũ bảo hiểm; quản lý vận tải; hạ tầng giao thông đường bộ; pháp luật trật tự ATGT đường thuỷ; xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT...
Cùng với đó là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ATGT, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền trong các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Từng chủ đề, từng chiến dịch tuyên truyền đã được phân công rất cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện.
Công tác tuần tra kiểm soát được xác định phải thực hiện thường xuyên liên tục hơn, phạt nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Các đợt cao điểm được tổ chức ngay từ cuối tháng 12/2008 trên cả đường bộ, đường thuỷ, nhằm đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và tiếp tục duy trì quyết liệt trong những dịp như lễ 30/4 và 1/5, Tháng An toàn giao thông, Noel... Phương châm là huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, triển khai đồng loạt để hạn chế, ngăn chặn các nguy cơ mất ATGT, nhất là vi phạm của lái xe khách, xe container.
Kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2009 của Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng cụ thể hoá các nội dung như kế hoạch khắc phục "điểm đen" (thực hiện trong quý II và III), triển khai đề án kiểm soát tải trọng xe (quý IV), hoàn thành giai đoạn 2 của Quyết định 1856/QĐ-TTg (cả năm 2009), tiếp tục lộ trình loại bỏ xe tự chế và phương tiện thuỷ không đảm bảo an toàn, kiểm tra công tác đào tạo, sát sạch cấp GPLX (quý II), kiểm tra công tác giáo dục ATGT trong trường học (từ tháng 3 đến tháng 11/2009)...
nguồn banduong.vn