Nhắc lại vụ tai nạn đò ngang vừa qua xảy ra ở xã Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình, mà thấy đau lòng. Hơn 40 người trên chuyến đò ấy đã ra đi mãi mãi, không khí tang thương bao trùm cả xã Quảng Hải khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải chạnh lòng.
Cùng với thời gian, sự sẻ chia của chính quyền, đoàn thể..., nỗi đau rồi sẽ vơi đi. Nhưng đằng sau vụ tai nạn ấy, người ta mới chợt nhận ra rằng, chuyện đi lại của người nông dân cả thủy và bộ đều rất đáng lo ngại, bởi lẽ:
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng giao thông vùng nông thôn đa phần yếu kém, lạc hậu, không đồng bộ và xuống cấp nghiêm trọng, lắm đèo nhiều dốc. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ phần nhiều không đảm bảo chất lượng; do cuộc sống của chủ phương tiện còn nhiều khó khăn nên ít khi được bảo dưỡng, sửa chữa. ở đường thủy, hệ thống sông ngòi chằng chịt, chảy siết. Phương tiện thủy cũng đều đã cũ nát, không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, tốc độ xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông cũng như các bến đò ngang còn chưa bắt kịp nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ hai, đa phần trình độ dân trí, học vấn của nông dân còn thấp, bên cạnh đó không được cập nhật thường xuyên các văn bản pháp luật, các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa hệ thống tuyên truyền luật ở cơ sở nhiều nơi chưa đồng bộ, làm chiếu lệ, dẫn đến tình trạng nông dân “mù” luật là có thật.
Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, cộng thêm nhận thức về pháp luật ATGT còn hạn chế là những nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với nông dân.
Trở lại với chuyến đò định mệnh trên sông Quảng Hải, giá như hôm ấy con đò có đủ áo phao và phao cứu sinh, tất cả người đi đò đều mặc áo phao thì có lẽ sẽ không xảy ra vụ tai nạn tang thương thế. Và giá như, cây cầu cách bến đò không xa được xây dựng xong sớm hơn thì mọi sự cũng đã khác...
nguồn giaothongvantai.com.vn