Chỉ tính riêng QL1A đoạn chạy qua 5 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Ninh Bình (Gia Viễn, Hoa Lư, Ninh Bình, Yên Mô, Tam Điệp) dài 34,4km đã có 2.721 hộ có cây cối hoặc vật kiến trúc vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt. Trong đó, có hơn 1.020 m2 công trình kiên cố và 23.878 công trình khác… Qua tiến hành triển khai giai đoạn I của Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có trên 95% số hộ tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm.
Cũng như cả nước, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt ở tỉnh Ninh Bình nghiêm trọng và phức tạp. Đây là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT và ùn tắc giao thông gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Người dân sinh sống và làm ăn ven tuyến giao thông đã tạo ra muôn vàn nguy hiểm bất ngờ cho người điều khiển phương tiện mỗi khi qua đây.
Qua khảo sát cụ thể trên 34,4km QL1A cho thấy, về chiều rộng hành lang, chỉ có 28% trên tổng số chiều dài khảo sát là đủ 15m theo quy định. Phần còn lại có nhiều công trình, nhà dân nằm trên hành lang, bám sát mặt đường. Dọc tuyến QL có nhiều đường ngang đấu nối trực tiếp, tạo giao cắt với QL, làm hạn chế tầm nhìn, không gian giao thông trở nên chặt hẹp, tăng thêm xung đột. Theo thống kê, TNGT trên QL 1A chiếm trên 40% tổng số vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Ninh Bình dài 21,7km có HLAT cũng đang hết sức phức tạp, hiện có 22 đường ngang có quyết định thành lập, 74 đường ngang dân sinh mở trái phép, 1.378 m2 công trình, 239m tường rào xây dựng trong hành lang ATGT đường sắt. Bên cạnh đó, còn có hàng chục km đường sắt chạy giữa và sát các khu dân cư trong khi tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT luôn ở mức báo động. Vì vậy, đây là nguyên nhân chính gây TNGT đường sắt. Năm 2006, đã xảy ra 7 vụ TNGT làm 3 người chết và 4 người bị thương, làm chậm giờ tầu 111 phút, 5 vụ trở ngại tàu làm chậm 96 phút. Năm 2007, xảy ra 14 vụ làm chết 7 người, 10 người bị thương, chậm tàu 216 phút, 7 vụ trở ngại tàu làm chậm 417 phút. Từ đầu năm đến nay đã có 7 vụ TNGT xảy ra làm chết 7 người, bị thương 1 người và 17 vụ trở ngại tầu làm chậm 448 phút.
Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã thành lập “Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh” giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 1, tập trung thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đoạn từ cầu Đoan Vĩ, huyện Gia Viễn đến Dốc Xây, thị xã Tam Điệp. Tổ liên ngành cấp tỉnh đã có 17 văn bản quản lý nhà nước để tổ chức hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, Khu Quản lý đường bộ II, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng CTGT 236 đã ban hành nhiều quyết định, văn bản hướng dẫn chi tiết. Đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hành lang ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cộng đồng nhân dân từ cấp tỉnh đến cấp xã bằng nhiều hình thức phong phú, cho người dân dễ hiểu và tự giác chấp hành… Do tổ chức tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội của của việc lập lại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đã có trên 95% số hộ tự nguyện khắc phục, tháo dỡ công trình vi phạm.
Sau khi tiến hành giải tỏa, các hộ vi phạm đều được yêu cầu ký biên bản cam kết không tái lấn chiếm. Địa bàn đã được giải tỏa và bàn giao cụ thể cho đơn vị quản lý công trình giao thông, chính quyền địa phương sở tại phối hợp quản lý ngăn ngừa, chống tái lấn chiếm. Song song với việc thiết lập lại trật tự hành hang ATGT đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng siết chặt quản lý việc đấu nối đường ngang vào QL, mở đường ngang trái phép qua đường sắt… Trên mô hình đó, tỉnh Ninh Bình sẽ nhân rộng và áp dụng cho giai đoạn II thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi tiến hành giải tỏa hành lang ATGT đường sắt và trên tất cả các tuyến QL trong tỉnh.
Hoàng Long