Vụ kẹt xe lớn gần đây nhất xảy ra lúc hơn 10 giờ ngày 6.9 tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, kéo dài gần 2 giờ. Hàng nghìn phương tiện giao thông từ các hướng Cộng Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi khi đến khu vực "lô cốt" gần vòng xoay thì "dính chùm" không nhúc nhích được.
Trước đó một ngày, lúc 17 giờ, một vụ ùn tắc kéo dài gần 3 giờ đồng hồ đã xảy ra tại khu vực giao lộ Lý Chính Thắng - Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải (Q.3, Q.1) khiến giao thông bị tê liệt trên diện rộng. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các chiến sĩ CSGT đã tích cực tham gia điều tiết, hướng dẫn xe cộ chạy đúng phần đường nhưng vẫn không hiệu quả do lượng xe quá đông và do một số tuyến đường lân cận cũng bị nhiều "lô cốt" chiếm dụng.
Chỗ nào cũng kẹt
![](/YkienATGT/uploads/Image/Ung-Van-Khiem.jpg) |
Một vụ kẹt xe gần 3 giờ trên trục đường Ung Văn Khiêm - D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đầu tháng 9.2008 - Ảnh: Nguyên Hải |
Trước kia, khu vực trục đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, D2 thuộc Q.Bình Thạnh ít khi xảy ra cảnh kẹt xe kéo dài. Thế nhưng từ cuối tháng 8 đến nay hầu như ngày nào trục đường nói trên cũng xảy ra kẹt xe, nhất là vào buổi sáng, kéo dài từ 1 - 3 giờ khiến người dân sở tại và người đi đường hết sức vất vả. Không chỉ người dân bức xúc, ông Nguyễn Minh Khánh - Phó trưởng ban quản lý dự án đầu tư Khu quản lý giao thông độ thị số 4 - cũng than thở với PV Thanh Niên: "Tôi cũng là nạn nhân của tình trạng kẹt xe tại khu vực này. Hôm họp giao ban cơ quan vào thứ hai tuần rồi tôi bị dính kẹt xe nên đến khá trễ. Hậu quả là chất lượng cuộc họp bị giảm sút, trong khi chúng ta đang kêu gọi cải cách hành chính. Đến họp trễ, tôi rất ái ngại nhưng biết làm sao".
Đức Minh, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ta thán: "Tôi ở trọ trên đường Ung Văn Khiêm nên thường đến trường qua đoạn đường này. Thế nhưng từ đầu năm học mới đến nay, sáng nào qua đoạn đường trên cũng phải giậm chân tại chỗ, có khi cả tiếng đồng hồ nên đến lớp trễ thường xuyên. Các bạn cùng phòng cũng không thoát khỏi tình cảnh này".
Theo ghi nhận của Thanh Niên vào sáng 8.9 tại khu vực này, hàng loạt xe hơi "chết cứng" kéo dài cả cây số từ ngã năm Đài liệt sĩ đến ngã tư Ung Văn Khiêm - D2. Nhiều người ngồi trên xe lắc đầu ngao ngán vì bị trễ giờ làm việc. Bầu không khí nồng nặc mùi khói xăng, bụi bốc lên cay xè cả mắt. Nhiều em bé đang ngồi trên xe máy mẹ chở đến trường không ngớt hắt hơi vì hít khói xe...
Nguyên nhân?
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tại buổi lễ phát động Tháng An toàn giao thông năm 2008 diễn ra ngày 30.8 nhắc lại nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là do có quá nhiều rào chắn trên đường. Một nguyên nhân khác mà ông Phượng nêu ra, đó là cứ vào tháng 9 hằng năm, khi các trường học đồng loạt khai giảng, mật độ phương tiện giao thông tăng cao, cùng với những yếu tố bất lợi như mưa lớn, triều cường càng làm cho tình hình kẹt xe trên đường phố thêm trầm trọng.
Thế nhưng nếu quan sát kỹ, nhiều vụ ùn tắc giao thông nhiều khi không phải từ những nguyên nhân nói trên. Như trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn từ chân cầu Bình Triệu 2 đến Bến xe Miền Đông, mỗi sáng sớm hằng ngày có rất nhiều xe khách từ các nơi về TP.HCM nối đuôi nhau vào bến xe. Nhưng có một số xe lại không vào bến mà rẽ phải để vào một trong 2 bãi đỗ ô tô ở cạnh đó. Mỗi một chiếc xe rẽ ngang là làn đường dành cho xe gắn máy bị cản trở. Cung đường này còn có quá nhiều taxi dừng đậu hai bên đường đón khách, lại thêm xe buýt nối đuôi nhau, càng làm cho tình hình giao thông thêm phức tạp. Quá lộn xộn là tình hình giao thông ở đoạn đường một chiều này.
Còn trên tuyến quốc lộ 13, tình trạng ùn tắc là do có khá nhiều người chạy xe từ cầu Bình Triệu 2 rẽ trái băng qua dốc cầu Bình Triệu 1 (quốc lộ 13) để vào đường Tầm Vu. Hướng lưu thông này dĩ nhiên là bị cấm, vì không những dễ xảy ra tai nạn, mà còn có thể gây kẹt xe ở ngay dốc cầu. Nhiều người biết mà vẫn cố tình vi phạm, nhưng cũng có những người không biết, thấy mọi người đi thì cứ đi theo. Lực lượng cảnh sát nếu có thì chỉ đứng ở đầu đường Tầm Vu, lúc mọi người vi phạm rồi mới thổi còi xử phạt, chứ chưa ngăn chặn từ đầu. Mỗi khi tắc đường ở khu vực này là kéo theo ùn tắc tới ngã năm Đài liệt sĩ, dắt dây tới ngã tư Hàng Xanh và nhiều con đường trong khu vực.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì luôn bị ùn ở gần ngã năm Đài liệt sĩ do rào chắn án ngữ gần hết mặt đường. Ô tô vì thế ngán ngại, nên đổ dồn về đường D2 - Ung Văn Khiêm. Tuy nhiên, ngã tư đường D2 - Ung Văn Khiêm như một nút thắt cổ chai, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng gây kẹt xe. Hơn nữa, nhánh đường vào trường THCS Đống Đa ngay tại ngã tư quá lầy lội, mặt đường nhấp nhô, phương tiện lưu thông rất khó khăn. Nhiều phụ huynh than phiền và kiến nghị nên thảm nhựa cho bằng phẳng, để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, nên có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực tại ngã tư này để kịp thời ngăn chặn ùn tắc.
Như ở khu vực cửa ngõ cầu Bình Triệu, thuộc Q.Bình Thạnh, nơi kẹt xe xảy ra như cơm bữa, nếu cảnh sát giao thông thường xuyên có mặt trong giờ cao điểm, sẽ ngăn chặn kịp thời những vụ ùn tắc có thể xảy ra. Có thể nói, đây là một trong những nơi "khởi đầu" của nhiều vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ngã tư Hàng Xanh và nhiều tuyến đường khác trong khu vực.
Theo báo Thanh niên