Trong năm loại mũ bảo hiểm có tại TP Hồ Chí Minh thì bốn loại không đạt chất lượng, và các mũ rẻ tiền lại có tỷ lệ đạt chất lượng cao hơn mũ đắt tiền.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh bằng cách mua ngẫu nhiên 50 mũ bảo hiểm tại 10 cửa hàng bán MBH lớn trên địa bàn 7 quận nội thành đem về Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng Khu vực 3 kiểm tra chất lượng nhằm khảo sát độ bền va đập và hấp thu xung động.
Kết quả, có đến 40 mũ không đạt yêu cầu dù trong đó có đến 47 mũ có dán tem CS (tem công bố phù hợp tiêu chuẩn chất lượng). Ðiều đáng nói, trong số 47 mẫu MBH có tem CS công bố phù hợp tiêu chuẩn có đến 39 mẫu không đạt yêu cầu. Chỉ có tám mũ đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 17%.
Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Hồ Tất Thắng cho biết, Hội đã tiến hành hai đợt kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm ngoái và tháng 3 vừa qua. Kết quả là trong số 50 mũ được kiểm tra đợt một, 70% không bảo đảm chất lượng. Nhưng đến đợt hai vừa được công bố hôm qua, mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đã lên đến 80%.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 10 trong tổng số 50 mẫu MBH được khảo sát đạt yêu cầu, tức chỉ chiếm 20%, giảm 10% so với kết quả khảo sát đợt 1. Có 40 mẫu có kết quả gia tốc dội lại tức thì không đạt yêu cầu, tăng 16% so với đợt 1, vượt trên mức cho phép. Những mũ này không có chức năng chịu được va đập và hấp thu xung động (chất lượng lớp đệm mềm bên trong kém hơn) và nếu người đội MBH này gặp tai nạn thì vẫn bị chấn thương sọ não.
Trước đó, trong tổng số 7.000 mũ bảo hiểm do 28 đội quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tạm giữ để chờ xử lý, có hơn 3.000 mũ thu giữ từ các cửa hàng, điểm kinh doanh do không có xuất xứ hàng hóa (nhập lậu), không có hóa đơn chứng từ, mũ không được dán tem kiểm định, mũ giả mang nhãn hiệu: Honda, Hongda, Yamaha, ABS... 4.000 mũ còn lại lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ tại một cơ sở sản xuất không đăng ký kinh doanh, công ty cũng không công bố chất lượng theo quy định. Kết quả bước đầu xác định toàn bộ số tem hợp chuẩn thu giữ tại cơ sở này là tem giả.
Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trên tổng số 1.809 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm trong toàn quốc, có 950 cơ sở vi phạm quy định sản xuất và chất lượng chiếm 52,5%.
Trong đợt thanh tra này, có 401 cơ sở vi phạm ghi nhãn hàng hóa, 245 cơ sở vi phạm về công bố phù hợp tiêu chuẩn, 114 cơ sở vi phạm sở hữu công nghiệp (chủ yếu là mũ giả nhãn hiệu), 182 cơ sở vi phạm về chất lượng (trong đó có 33 vi phạm của các cơ sở dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng để khuyến mại). Qua đợt tổng thanh tra chất lượng mũ bảo hiểm trên toàn quốc thời gian vừa qua, cả nước đã tịch thu, tiêu hủy 41.289 mũ bảo hiểm, đình chỉ lưu thông 61.000 chiếc, niêm phong tạm giữ 71.592 chiếc và tổng số tiền xử phạt là 1.499.308.000 đồng.
Số liệu của Tổng cục Ðo lường Chất lượng cũng cho thấy, trong tổng số 1.560 mũ bảo hiểm nhập khẩu được kiểm tra, có 978 mũ, chiếm hơn 62% không có tem chứng nhận. Như vậy, một lượng khá lớn mũ nhập khẩu lưu thông trên thị trường là hàng nhập lậu, nhập tiểu ngạch, không qua kiểm tra, không được dán tem chứng nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng.
Ðáng lo ngại là trong số 50 mẫu MBH trong đợt khảo sát vừa qua có tới 70% số mũ có kiểu dáng mới xuất hiện trong ba tháng qua. Những loại mũ này có hình thức bắt mắt hơn nhưng tỷ lệ đạt chất lượng lại giảm đi. Nếu cách đây hai tháng chỉ có loại rộng vành kiểu tai bèo bằng nhựa dành cho nữ, thì nay trên thị trường đã xuất hiện hàng chục loại, từ lưỡi trai phủ vải đến dạng cao bồi rộng vành phủ da hoặc vành vải rộng... Gần như tất cả được gia công bằng tay, không cái nào ghi rõ tên công ty sản xuất cũng như bảng công bố thông số an toàn của mũ. Nhiều loại mũ khi lôi mạnh tay, miếng xốp ốp sát mũ rất dễ bong ra.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng cho biết, mũ bảo hiểm cách tân đang là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. "Mũ có đai vải thì không nguy hiểm, nhưng mũ có vành cứng, nếu tai nạn hậu quả sẽ nghiêm trọng". Khi người đội bị ngã, phần "loe" của mũ khi vỡ sẽ tạo thành các mảnh có góc quá nhọn dễ gây thương tích cho người đội...
Theo quy định, mũ bảo hiểm sản xuất trong nước, chất lượng phải phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam. Các nhà sản xuất phải thử nghiệm tại phòng thí nghiệm có đủ năng lực và được công nhận để xác định chất lượng. Mũ bảo hiểm nhập khẩu cũng phải được kiểm tra, những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị tái xuất hoặc hủy bỏ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH&CN, việc công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn mới chỉ là những cam kết của nhà sản xuất. Hàng hóa khi xuất xưởng do nhà sản xuất tự kiểm tra chất lượng và dán tem hợp chuẩn CS nên xuất hiện tình trạng có nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận đã dán tem hợp chuẩn lên cả các lô mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.
Một số cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm sau khi công bố phù hợp tiêu chuẩn đã không chú trọng các biện pháp bảo đảm chất lượng trong quá trình sản xuất. Một số nơi, mũ bảo hiểm nhập khẩu chỉ kiểm tra đại diện theo lô, sau đó phát tem đạt chất lượng cho nhà phân phối nên còn xuất hiện sự gian lận trong sử dụng tem chất lượng. Chưa kể, một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng vẫn không quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm mà quan tâm nhiều đến giá cả, kiểu dáng. Nhiều người vẫn mua và sử dụng những loại mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng...
Kể từ khi chỉ thị bắt buộc đội mũ bảo hiểm của Chính phủ được ban hành, số đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm đã tăng lên gần 2.000 doanh nghiệp. Ðó là chưa tính tới hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu.
Trên thực tế, cũng chưa có loại sản phẩm hàng hóa nào mà tỷ lệ sản phẩm không đạt chất lượng lớn đến như vậy. Thực trạng này đã khiến dư luận không khỏi lo ngại chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông của Chính phủ sẽ không đạt hiệu quả. Ðã vậy, công nghệ và kỹ thuật giám định chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi vẫn dựa vào phương pháp giám định phá hủy mẫu kiểm tra, do đó đã ảnh hưởng đến công tác xử lý tang vật vi phạm...
Hiện cả nước mới chỉ có 6 cơ sở có đủ chức năng giám định chất lượng, gồm hai cơ sở ở Hà Nội, hai cơ sở ở miền trung và hai cơ sở ở TP Hồ Chí Minh. Muốn xác định được mũ bảo hiểm thật - giả, các đơn vị chức năng ở các địa phương đều phải đưa về đó giám định nên thời gian giám định kéo dài.
Thực trạng này đang đòi hỏi Bộ KH&CN cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm để có phương tiện quản lý tốt; tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và có giải pháp hiệu quả kiểm soát chất lượng đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước.