Thứ hai, ngày 24/02/2025

Quyết liệt giảm TNGT trong năm 2008

Thứ hai, 28/01/2008 00:00 GMT+7

Ngày 24/1/2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia đã diễn ra Hội nghị ATGT toàn quốc. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm và đại diện lãnh đạo các ban, ngành và tỉnh, thành cả nước.

Ngày 24/1/2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia đã diễn ra Hội nghị ATGT toàn quốc. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm và đại diện lãnh đạo các ban, ngành và tỉnh, thành cả nước.

Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, năm 2007 cả nước xảy ra 14.624 vụ TNGT, làm chết 13.150 người và bị thương 10.546 người. So với năm 2006 giảm 77 vụ tai nạn (giảm 0,52%) và 740 người bị thương (giảm 6,56%) nhưng tăng 411 người chết (3,23%). Cũng trong năm 2007, cả nước có 35 địa phương giảm và 29 địa phương tăng số người chết do TNGT. Các địa phương có số người chết vượt trên 300 người là: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Đắk Lắk, Hà Tây, Bình Dương, Bình Định, Gia Lai và Bình Thuận. Chỉ có 9 địa phương hoàn thành được chỉ tiêu giảm TNGT của Chính phủ giao.

Nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng trong năm 2007 trước hết là do trong những tháng đầu năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự ATGT chưa kiên quyết, chưa tạo được sức mạnh đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở còn thờ ơ, ngoài cuộc với công tác bảo đảm ATGT.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông trong những tháng đầu năm còn rất kém và vi phạm trật tự ATGT diễn ra phổ biến. Phương tiện giao thông cá nhân trong thời gian vừa qua cũng gia tăng rất nhanh. Năm 2007 là năm số ô tô và mô tô trên địa bàn cả nước tăng cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển của phương tiện, công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT chưa đáp ứng được yêu cầu,... cũng là những nguyên nhân chính làm gia tăng TNGT, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2007.

Bước chuyển về chỉ đạo và ý thức

Mặc dù cả năm 2007, số người chết do TNGT vẫn tăng nhưng trong công tác bảo đảm ATGT cũng ghi nhận rất nhiều điểm sáng tích cực, trong đó đặc biệt là bước chuyển rất lớn của cả công tác chỉ đạo của các cơ quan, lực lượng chức năng lẫn ý thức của người tham gia giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, 3 tháng đầu năm 2007, số người chết do TNGT đã tăng 8,1%, đến hết 6 tháng vẫn tăng 7,2%, nhưng chỉ trong 5 tháng cuối năm đã kéo giảm xuống còn 3,23% là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các địa phương và các cơ quan chức năng. Điểm nhấn quan trọng của công tác bảo đảm ATGT năm 2007 là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng các kế hoạch và văn bản triển khai một cách hết sức quyết liệt và đồng bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng đề án và thường xuyên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tối đa thời lượng, các chuyên mục và bài viết tuyên truyền trong lĩnh vực ATGT.

Hàng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương đều có đánh giá, nhận xét và định hướng cho các cơ quan thông tin đại chúng về công tác tuyên truyền ATGT. Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát tập trung lực lượng, mở 5 đợt cao điểm tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT. Năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư và xử lý được 134 điểm đen TNGT và hầu hết các điểm này đều không còn xảy ra TNGT.

Một điểm hết sức có ý nghĩa, minh chứng rõ nét cho việc chuyển biến về sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng và ý thức của người dân là quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường đã bước đầu thành công trên phạm vi toàn quốc. Trong suốt hơn 1 tháng kể từ ngày triển khai đến nay, tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH thường xuyên đạt trên 99%.

Tỷ lệ này thực sự vượt ngoài mong đợi, cho thấy sự nỗ lực và kiên quyết chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng đã bước đầu phát huy hiệu quả. Nếu như trước đây, người dân chỉ quen đội MBH để đối phó với CSGT thì hiện nay, việc đội MBh đã dần trở thành thói quen của người dân từ thành thị tới nông thôn mỗi khi ra đường tham gia giao thông. Theo báo cáo nhanh của nhiều bệnh viện, tỷ lệ người bị chấn thương sọ não đã giảm rõ rệt.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cũng cho rằng, chưa năm nào công tác chỉ đạo trong lĩnh vực bảo đảm ATGT lại mạnh mẽ và quyết liệt như năm 2007 vừa qua. Nếu như trước đây vẫn phổ biến tình trạng bàn lùi, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong việc quy định bắt buộc đội MBH thì thời gian qua đã trở thành sự đồng thuận của từ các cơ quan thông tin đại chúng đến người dân.

Quyết liệt giảm TNGT trong năm 2008

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, công tác bảo đảm ATGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo hàng đầu của Chính phủ trong năm 2008. Thủ tướng nêu rõ, TNGT gia tăng quá cao trong những tháng đầu năm, đặc biệt là trong những ngày Tết Đinh Hợi 2007 là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. TNGT trong tháng 2/2007 là tháng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong 6 ngày Tết đã xảy ra tới 570 vụ tai nạn, 387 người chết và 645 người bị thương.

Mặc dù, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, tình hình đã có biến chuyển rõ rệt nhưng cả năm số người chết do TNGT vẫn tăng. Do vậy, bảo đảm ATGT ngay từ đầu năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới có ý nghĩa hết sức to lớn. Nếu như ngay từ bây giờ tất cả các cơ quan chức năng đồng lòng và quyết liệt vào cuộc đảm bảo ATGT, không để TNGT gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán thì chắc chắn cả năm 2008 TNGT sẽ giảm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh 5 giải pháp cần quyết liệt triển khai trong năm 2008. Thứ nhất: Phải tiếp tục tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ATGT để mọi người dân tham gia giao thông có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật ATGT. Đây là điểm cốt lõi nhất để bảo đảm ATGT. Thời gian vừa qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã thực hiện rất có hiệu quả công tác này, đặc biệt đối với việc tuyên truyền vận động người dân đội MBH, do vậy trong thời gian tới phải tiếp tục phát huy và tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ hai: Công tác tuần tra, xử phạt cần phải thắt chặt và triển khai nghiêm túc. Xử phạt nghiêm ngoài việc răn đe còn có ý nghĩa thiết thực trong việc tuyên truyền và giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nếu chỉ tuyên truyền và giáo dục mà công tác xử phạt không nghiêm thì sẽ không có tác dụng.

Thứ ba: Khắc phục triệt để các điểm đen TNGT trong năm 2008. Trong năm 2007, các cơ quan chức năng đã khắc phục được 134 điểm đen và sau đó những điểm này không xảy ra thêm vụ TNGT nào nữa là một việc làm hết sức tích cực. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, rà soát lại tất cả các điểm đen và giải quyết triệt để.

Thứ tư: Công tác chỉ đạo bảo đảm ATGT trong thời gian tới phải duy trì thường xuyên, quyết liệt từ Trung ương cho tới các địa phương. Thủ tướng nêu câu hỏi: Vì sao trong năm 2007, cùng có sự chỉ đạo của Chính phủ nhưng 35 địa phương giảm được TNGT còn 29 địa phương lại gia tăng? Do vậy, các địa phương để TNGT gia tăng phải nghiêm túc kiểm điểm và tăng cường mạnh mẽ công tác chỉ đạo để quyết giảm TNGT trong năm 2008.

Thứ năm: Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATGT cũng cần được kiện toàn và tăng cường tối đa. Trước hết, các cơ quan chức năng cần rà soát và hoàn thiện lại thể chế, các văn bản pháp luật liên quan đến ATGT. Bên cạnh đó, thời gian tới phải tăng cường quản lý chặt phương tiện tham gia giao thông, kiên quyết loại bỏ các phương tiện hết niên hạn, xe tự chế không bảo đảm an toàn.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng cũng nhấn mạnh 9 trọng tâm bảo đảm ATGT của ủy ban ATGT Quốc gia trong năm 2008. Thứ nhất: Hoàn thiện văn bản pháp luật trật tự ATGT; Thứ hai: Hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ trong năm 2008; Thứ ba: Quán triệt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trật tự ATGT, tổ chức cuộc vận động “Văn hóa giao thông”; Thứ tư: Các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là lực lượng CSGT quán triệt trong toàn lực lượng, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông trong việc phát hiện, xử lý điểm đen TNGT; Thứ năm: ưu tiên cho việc phát hiện và xử lý điểm đen TNGT và lập lại trật tự hành lang, bảo vệ công trình giao thông; Thứ sáu: Khắc phục thiếu sót trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm soát chất lượng sát hạch cấp giấy phép lái xe và chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; Thứ bảy: Các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động giữ gìn, bảo đảm ATGT, tích cực tham gia cuộc vận động “Văn hóa giao thông”; Thứ tám: Các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp bảo đảm ATGT Tết Nguyên đán Mậu Tý; Thứ chín: Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy chế trong việc thực hiện công vụ, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, chiến sỹ tiêu cực trong công tác.

Đức Thắng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)