Thứ hai, ngày 24/02/2025

Thưa thật với Thủ tướng nhưng đừng... thưa sai!

Thứ tư, 02/01/2008 00:00 GMT+7

 "Thưa thật với Thủ tướng nhưng đừng... thưa sai!"... Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) phản bác lại ý kiến cho rằng đội mũ bảo hiểm là không cần thiết!

 "Thưa thật với Thủ tướng nhưng đừng... thưa sai!"... Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) phản bác lại ý kiến cho rằng đội mũ bảo hiểm là không cần thiết!

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm do Chính phủ ban hành đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2007 (Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP "Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông" do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/6/2007). 

Đây là một quy định rất cần thiết cho nước ta mà lẽ ra, cần phải được ban hành từ sớm hơn nữa.... Thế nhưng, cũng như bất cứ vấn đề nào khác, dù đã được cộng đồng có sự đồng thuận cao thì vẫn có những ý kiến khác.

Tôi muốn nói đến bài viết mang tựa đề “Tôi thưa thật với Thủ tướng” của tác giả Tạ Thị Ngọc Thảo, đăng trên một website ở hải ngoại và được phát tán trên internet làm tài liệu cho những người không ưa đội mũ bảo hiểm. Một số ý kiến trong bài này lặp lại những lập luận của những người phản đối luật đội mũ bảo hiểm ở Anh trước đây. Những người phản đối luật này cho rằng hiệu quả của mũ bảo hiểm chưa rõ ràng.

Nhưng trong thực tế, đội mũ bảo hiểm có hiệu quả giảm nguy cơ chấn thương sọ não và giảm nguy cơ tử vong khi bị tai nạn. Hiệu quả này được thấy ở trẻ em, người lớn, đi xe đạp xe gắn máy, hay thậm chí trực thăng. Bài viết này trình bày những bằng chứng khoa học đó để cho thấy đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy và xe đạp là cần thiết.

Ngay từ 15/12/2007, hơn 95% người tham gia giao thông đã đội mũ bảo hiểm (Ảnh: VietNamNet)

Đội mũ bảo hiểm đâu có được... “bảo hiểm”?

Trong bài viết, có lý giải cho rằng “Gọi mũ bảo hiểm là không đúng, vì chấn thương sọ não là chấn thương cái đầu của dân, dân tự chi tiền, dân tự nằm viện, chẳng ai trả tiền thay cho dân mà gọi là bảo hiểm.” Vâng, muốn hiểu thế cũng được, nhưng từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học – 2005, trang 39) định nghĩa bảo hiểm như thế này: “Giữ gìn để phòng ngừa tai nạn”. Nếu hiểu theo cách hiểu chuẩn này thì cụm từ mũ bảo hiểm (tôi quen gọi theo người miền Nam là nón bảo hiểm hay nón bảo hộ) cũng không có gì sai. 

Tác giả phàn nàn rằng một luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm như thế đáng lẽ phải hỏi dân trước rồi hãy ban hành. Điều này tôi chỉ đồng ý một phần, vì đối với một số chính sách y tế cộng đồng có thể đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng, Chính phủ không cần thiết phải tốn tiền đề trưng cầu dân ý hay tham khảo ý kiến dân để hoạch định chính sách.

Một vụ tai nạn giao thông ở Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)
Chính phủ ở các nước phương Tây không tham khảo ý kiến dân khi họ ra luật bắt buộc người lái xe ôtô phải thắt dây bảo hiểm, hay xét nghiệm nồng độ alcohol ngẫu nhiên, hay cho phép cảnh sát ngụy trang để bắn tốc độ... Tương tự, những chương trình y tế công cộng khuyến khích ngưng hút thuốc lá, hay chính sách tăng thuế bia rượu, vì có thể đem lại lợi ích cho nhiều người, Chính phủ không cần phải tổ chức thăm dò ý kiến của dân để ban hành. Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm có thể cứu nhiều người, đã được “thử nghiệm” trước đây ở nhiều tỉnh với hiệu quả tích cực, và Nhà nước không nhất thiết phải tham khảo công chúng.

Tác giả bài viết “Thưa thật với Thủ tướng” cho rằng “đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy là chuyện bình thường ở nước bạn, nhưng lại không bình thường của nước ta” tại vì “nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế xe gắn máy”.

Tôi e rằng đây là một loại ngụy biện. Ngụy biện thay đổi luận đề: một bên là mũ bảo hiểm, và một bên là kinh tế, không có liên hệ gì giữa hai sự việc này. Mục tiêu số một của luật đội mũ bảo hiểm là ngăn ngừa hay giảm tử vong. Tử vong vì tai nạn giao thông có thể xảy ra ở bất cứ nền kinh tế nào, chứ chẳng riêng gì “nền kinh tế xe ôtô bốn bánh” (mượn cách nói của tác giả “nền kinh tế xe gắn máy”).

Tai nạn giao thông ở nước ta đứng hàng thứ 6 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao nhất trong dân số. Mỗi ngày có khoảng 33 người chết vì tai nạn giao thông (tức khoảng 12.000 người chết hàng năm – số liệu năm 2006 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam), và con số này vẫn còn tăng nhanh theo tỉ lệ thuận với số xe gắn máy đăng kí. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2007, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy có 5.300 vụ tai nạn giao thông làm chết 4.700 người và bị thương nặng cho 4.100 người. Chi phí liên quan đến tai nạn giao thông chiếm đến 2% tổng sản lượng quốc dân (tức khoảng 1 tỉ USD).

Đứng trên quan điểm của y tế, phòng ngừa tử vong là nhiệm vụ số 1 của y tế dự phòng. Con người muốn sống hơn là muốn chết. Đó là dẫn nhập và cũng là kết luận của bất cứ một biện luận nào về y tế cộng đồng. Biện luận đó cần và đủ.

Do đó, đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy và xe đạp cần được khuyến khích, trong bất cứ nền kinh tế nào, và ở bất cứ thành phần xã hội nào. Ở các nước tiên tiến, trẻ em khi lái xe đạp, dù ở bất cứ đường nào, kể cả trong công viên, đều phải bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Vấn đề ở đây không phải là nền kinh tế phát triển hay không phát triển, mà là tôn trọng và bảo vệ mạng sống con người.

Đội mũ bảo hiểm chưa chắc tránh được... nguy hiểm?

Một điều rất ngạc nhiên là phát biểu sau đây trong bài viết: “Tác dụng thật sự của việc đội mũ chưa thuyết phục...”. Đây là một phát biểu sai và thiếu cơ sở khoa học. Tôi rất ngạc nhiên khi tác giả viết ra câu này!

Thật ra, có rất nhiều nghiên cứu trong vòng 20 năm qua cho thấy đội mũ bảo hiểm chẳng những có hiệu quả giảm thương tật, mà còn giảm độ nghiêm trọng của thương tật, và quan trọng hơn là giảm nguy cơ tử vong (xem Box trong bài).

Ở nước ta, ngay từ khi luật đội mũ bảo hiểm được áp dụng, số ca chấn thương do tai nạn giao thông lập tức giảm thấy rõ. Ở Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông đã giảm từ 40 ca/ngày năm ngoái xuống còn 30 ca/ngày chỉ sau 3 ngày luật được áp dụng. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ ngày 17/12/2007 trong bài "Đội mũ bảo hiểm: Chấn thương sọ não giảm" cũng cho biết, các ca chấn thương sọ não đã giảm rõ rệt sau khi quy định về đội mũ bảo hiểm có hiệu lực.

Nên đội mũ bảo hiểm!

Nên đội mũ bảo hiểm (Ảnh: VietNamNet)
Có người lí giải rằng đội mũ bảo hiểm vẫn có thể bị chấn thương sọ não. Điều này đúng nhưng là kiểu lí luận một chiều (phiến diện), bởi vì sự thật là người đội mũ bảo hiểm có nguy cơ chết thấp hơn người không đội mũ bảo hiểm.

Mũ bảo hiểm có thể không hoàn toàn ngăn ngừa các tai nạn hay cứu sống người bị tai nạn, vì một số trường hợp tai nạn người lái xe chết do thương tật quá nghiêm trọng, hay do đội mũ không đúng, hay mũ thiếu chất lượng do thiết kế không chuẩn... Nhưng mũ bảo hiểm, khi được sử dụng đúng và có chất lượng, là một phương tiện cực kì hữu hiệu để giảm nguy cơ tử vong và chấn thương sọ não. Trong y học, như tôi đã nói, dù can thiệp chỉ để cứu 1 người cũng cần thiết và xứng đáng.

Chấn thương do tai nạn xe gắn máy chiếm khoảng 2/3 các trường hợp được điều trị trong cấp cứu và chiếm 3/4 tử vong. Chấn thương sọ não nếu may mắn sống sót vẫn phải sống trong khó khăn và nhiều khi phải tùy thuộc vào sự hỗ trợ của thân nhân, gián tiếp làm ảnh hưởng đến năng suất kinh tế quốc gia. Giới y tế và hoạch định chính sách y tế cộng đồng có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, và phải hành động dựa vào bằng chứng khoa học.

Bằng chứng nghiên cứu từ hai thập niên qua cho thấy đội mũ bảo hiểm có hiệu quả ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ chấn thương sọ não, giảm nguy cơ tai nạn nghiêm trọng. Do đó, việc Chính phủ ban hành quy định bắt buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm là hoàn hợp lí. 

Những nghiên cứu khoa học khẳng định lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm

Trong một nghiên cứu trên gần 3.400 đối tượng đi xe đạp và xe gắn máy bị tai nạn, các nhà nghiên cứu so sánh nguy cơ bị chấn thương sọ não giữa nhóm đội mũ bảo hiểm và nhóm không đội mũ bảo hiểm. Kết quả cho thấy, đội mũ bảo hiểm giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não đến 69%, và nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng cũng giảm đến 74% [Thompson DC, Rivara FP, Thompson RS. Effectiveness of bicycle safety helmets in preventing head injuries. A case-control study. JAMA Vol. 276 No. 24, December 25, 1996]. Nghiên cứu này còn cho thấy mũ bảo hiểm có hiệu quả trong tất cả độ tuổi và trong tất cả tình huống tai nạn, kể cả tai nạn liên quan đến xe ôtô 4 bánh. Ở trẻ em, đội mũ bảo hiểm có thể giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não nghiêm trọng đến 85% khi bị tai nạn giao thông [Thompson RS, Rivara FP, Thompson DC. A case-control study of the effectiveness of bicycle safety helmets. N Engl J Med 1989; 320:1361-1367].

Hai nhà nghiên cứu Anh phân tích số liệu về tai nạn giao thông trong 4 năm, sau khi chương trình bắt buộc đội mũ bảo hiểm được triển khai, số trường hợp bị thương, kể cả chấn thương sọ não, nhập viện giảm từ 40% xuống còn 28% [Cook A, Sheikh A. Trends in serious head injuries among cyclists in England: analysis of routinely collected data. BMJ 2000;321:1055]. Sự thay đổi tích cực này được ghi nhận trong tất cả độ tuổi. Một kết quả như thế cũng được ghi nhận ở Úc và Tân Tây Lan [Scuffham P, Alsop J, Cryer C, Langley JD. Head injuries to bicyclists and the New Zealand bicycle helmet law. Accid Anal Prev 2000;32:565-73; Carr D, Skalova M, Cameron M. Evaluation of the bicycle helmet wearing law, in Victoria during its first four years. Melbourne: Monash University Accident Research Centre, 1995. (No. 76)].

Tại Đài Loan, luật đội mũ bảo hiểm được ban hành từ tháng 6/1997. Các nhà nghiên cứu Đài Loan phân tích số liệu tai nạn giao thông xe gắn máy trước và sau khi luật được ban hành, và thấy số ca thương tật giảm 33% (từ 5.260 ca xuống còn 3.535 ca). [Chiu WT, Kuo CY, Hung CC, Chen M. The effect of the Taiwan motorcycle helmet use law on head injuries. Am J Public Health. 2000 May; 90(5): 793–796]. Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Thái và Mỹ đã so sánh những người bị tai nạn đội mũ bảo hiểm và không đội mũ bảo hiểm [Ouellet J, Kasantikul V. Motorcycle eelmet effect on a per-crash basis in Thailand and the United States. Traffic Injury Prevention 2006; 7(1): 49-54]. Tính chung, nguy cơ bị chết ở những người không đội mũ bảo hiểm cao gấp 2-3 lần so với người đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, người không đội mũ bảo hiểm có nguy cơ bị thương nghiêm trọng cao gấp 3 lần những người độ mũ bảo hiểm.

Vì mũ bảo hiểm có hiệu quả giảm mức độ nghiêm trọng của thương tật nên cũng có hiệu quả giảm chi phí điều trị. Số liệu thu thập từ các tai nạn giao thông ở Mĩ từ 1994 đến 2002 cho thấy chi phí điều trị cho mỗi trường hợp tai nạn không đội mũ bảo hiểm là 39.390 USD, nhưng trong nhóm đội mũ bảo hiểm chi phí này là 36.334 USD [Eastridge BJ, Shafi S, Minei JP, Culica D, McConnel C, Gentilello L. Economic impact of motorcycle helmets: from impact to discharge. J Trauma. 2006 May;60(5):978-83].

Nguyễn Văn Tuấn (Viện Y khoa Garvan, Úc) - (VietNamNet)

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)