Đau đầu trông giữ mũ bảo hiểm
Tần ngần để chiếc mũ bảo hiểm trên xe máy, Thanh Hoài, nhân viên công ty mỹ phẩm ở Hà Nội rút 3.000 đồng đưa cho chủ trông giữ xe. Bảo quản mũ bảo hiểm đang là bài toán của những người phải di chuyển nhiều.
> Chầu chực vì mũ bảo hiểm/ Bát nháo thị trường mũ bảo hiểm
"Nếu ngày nào cũng mất vài nghìn đồng trả tiền trông mũ bảo hiểm thì xót lắm. Công việc của mình phải đi nhiều, mà đâu phải lúc nào cũng ôm khư khư mũ bảo hiểm. Chắc chỉ vài tháng tiền gửi mũ vượt xa tiền mua chiếc mũ này”, Hoài cho biết.
 |
Hai bạn trẻ đắn đo gửi mũ hay mang theo. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo ghi nhận của VnExpress, trên địa bàn Hà Nội một số điểm trông giữ xe đã nhanh chóng mở luôn dịch vụ trông giữ mũ bảo hiểm. Tại khu vực đền Bà Kiệu (hồ Hoàn Kiếm), ngoài việc phải trả 2.000 đồng cho chiếc xe máy, giờ đây người dân còn phải mất thêm 1.000 đồng cho chiếc mũ bảo hiểm (nếu có nhu cầu gửi). Nếu người dân để mũ bảo hiểm lại trên xe mà không mua vé, chủ trông giữ không chịu trách nhiệm nếu mất.
Cầm chiếc vé xe thay luôn cho chiếc vé trông mũ bảo hiểm, chị Lan Anh - cán bộ Kiểm toán Nhà nước phân vân. Hiểu ý khách hàng, anh trông xe trấn an: "Cứ yên tâm đi, đã thu tiền thì tụi tôi có trách nhiệm trông giữ. Mất mũ tôi sẽ đền".
Bên ngoài chợ Đồng Xuân, việc thi tiền trông mũ bảo hiểm cũng diễn ra giống như ở đền Bà Kiệu. Người gửi phải trả 3.000 đồng cho nhà xe (phí xe là 2.000 và mũ 1.000 đồng).
Chị Lan, chủ trông giữ xe trên phố Nguyễn Xí cho biết: "Từ ngày 15/9, nhiều người đội mũ bảo hiểm, tôi cũng phải ghi vé gửi mũ như vé xe máy. Làm sao trông mũ hộ cho khách mãi, nếu mất họ "đè cổ" mình ra".
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Thịnh, Trưởng phòng bảo vệ, Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, với số lượng khách vào chợ lên đến hơn vạn lượt mỗi ngày, đơn vị khó có thể bố trí chỗ gửi mũ bảo hiểm cho khách hàng. “Phải đợi đến khi nào vấn đề phát sinh như mất cắp, đánh tráo mũ… công ty mới có những hướng triển khai cụ thể”, ông Thịnh nói.
Siêu thị cũng đau đầu
Tại siêu thị Big C, hiện nay, khách đến mua sắm đều được gửi đồ và mũ bảo hiểm miễn phí trên tầng 2.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Khi người dân chính thức thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ, siêu thị khó có thể giải quyết chỗ gửi mũ cho khách hàng một cách ổn thỏa. Lý do là ngày cao điểm siêu thị có 15.000-20.000 lượt người đến mua sắm.
Khó khăn mà ông Dũng đưa ra đó là vấn đề diện tích, nhân lực cũng như những chi phí phát sinh đi kèm. Thời gian trước mắt, lãnh đạo siêu thị Big C cho biết sẽ khuyến khích người dân tự bảo quản mũ bảo hiểm của mình (bằng cách treo dưới yên xe), cộng thêm đó sẽ tăng thêm lực lượng bảo vệ từ 20 người lên 30 người/ca.
 |
Những chiếc mũ treo dưới xe thế này, người dân lo ngại kẻ gian có thể cắt dây bất cứ khi nào. Ảnh: Anh Tuấn |
“Chúng tôi đang đau đầu về bài toán.mũ bảo hiểm. Siêu thị đang tiến hành tổ chức cuộc thi cho cán bộ công nhân viên hiến kế, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tối ưu nào”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Ngô Thanh Hoài - Phó giám đốc trung tâm thương mại Vân Hồ cho biết, lượng khách nhiều hôm lên đến 500 lượt người. Việc bố trí chỗ để xe đã khó nay lại phải bố trí trông giữ mũ bảo hiểm.
"Thời gian tới, khách hàng mang mũ theo, chúng tôi đành phải tự tạo ra chiếc vé trông mũ miễn phí do chính công ty thiết kế”, anh Hoài cho biết.
(theo VnExpress.net)