(ĐCSVN)- Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” ra đời tạo một bước đột phá mới trong quá trình chỉ đạo xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nghị quyết chỉ rõ nguyên nhân tồn tại và 7 giải giải pháp cấp bách. Các địa phương theo đó mà triển khai thực hiện. Những bức xúc từ thực tế
5 năm trước, ngày 19/12/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/2002/NG-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông. Sau đó, Ban Bí thư Trung Ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 22-CT-/TW ngày 24/02/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Nhờ đó, từ năm 2003 đến năm 2005 cả nước đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế TNGT. Tuy nhiên từ năm 2006 đến nay, TNGT lại gia tăng trở lại và có thời điểm còn cao hơn cả những năm trước. Nếu so với năm 2005, số người chết do TNGT trong năm 2006 đã tăng tới gần 1000 người (hơn 10%). Tính đến hết tháng 5/2007, trên địa bàn cả nước đã xảy ra tổng cộng 6.660 vụ TNGT, làm 5.859 người chết và 4.977 người bị thương; tăng cả 3 mặt với 23 vụ, 370 người chết và 93 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường bộ nói riêng và tình hình trật tự, an toàn giao thông cả nước nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp và như không theo một quy luật nào. Theo báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2007, mặc dù lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đẩy mạnh cải cách hành chính trong bảo đảm TTATGT; điều tra, giải quyết, đề nghị xử lý kịp thời các vụ TNGT, phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn tăng cao. Cả nước đã xảy ra 7.669 vụ TNGT, làm chết 6.910 người, bị thương 5.919 người; so với 6 tháng đầu năm 2006 tăng 86 vụ (1,1%), tăng 464 người chết (tăng 7,2%) và tăng 42 người bị thương (0,6%). Riêng tại Tp Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm trên 44 tuyến đường trọng điểm do Phòng đảm trách đã xảy ra 231 vụ TNGT làm 187 người chết, 133 người bị thương; trong đó riêng 4 tuyến quốc lộ đã xảy ra 126 vụ (chiếm 54,54%), làm 115 người chết (61,49%) và 67 người bị thương (50,37%). Hầu hết những người đi xe mô tô bị TNGT trên quốc lộ dẫn đến tử vong đều không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Chính sự gia tăng tai nạn giao thông không theo quy luật nào của tất cả các địa phương khiến Chính phủ và các Bộ giao thông, Công an đã liên tiếp có những cuộc họp, bàn và tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp nhằm giảm đi những bức xúc vốn tồn tại quá nhiều năm này. Và Nghị quyết số 32 ra đời như một bước đột phá mới nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng kéo các cấp, các ngành và toàn xã hội phẩi vào cuộc.
Nghị quyết 32 và Bảy giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông
Ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7-2007. Nghị quyết đã đưa ra 7 giải pháp cơ bản nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền pháp luật, kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông vận tải, cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý phương tiện, giải pháp đào tạo và quản lý người điều khiển phương tiện, giảm thiểu thiệt hại do TNGT, kiện toàn Ủy ban ATGT quốc gia và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBATGTQG Hồ Nghĩa Dũng tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP
|
Cụ thể, về đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thực hiện một số biện pháp như: các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp ban hành quy chế khen thưởng và kỷ luật, không xét thi đua, khen thưởng với mọi hình thức đối với người vi phạm luật giao thông. Bộ Công an ban hành quy định thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư những người vi phạm trật tự ATGT để kiểm điểm, giáo dục.
Từ niên học 2008-2009 bắt đầu thực hiện chương trình giảng dạy trật tự ATGT mới ở tất cả các cấp học. Từ 1-9-2007 xử lý nghiêm khắc tất cả học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy...
Về cưỡng chế thi hành trật tự ATGT:
Từ ngày 1-1-2008 đình chỉ lưu hành xe ô-tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Từ ngày 1-1-2009 đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Tạm giữ mô-tô, xe gắn máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm các quy định sau: chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Ðình chỉ lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm bằng hình thức tạm giữ phương tiện hoặc giấy đăng ký, biển số, sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tạm giữ mô-tô, xe gắn máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy.
Về kết cấu hạ tầng giao thông: Các địa phương tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 30-3-2009 các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ các quốc lộ trên địa bàn đã được đền bù, xử lý; trong năm 2009, xóa bỏ 50% đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt. Bộ Giao thông vận tải xóa bỏ 50% đường ngang đấu nối trái phép vào quốc lộ trước ngày 30-3-2009; tiếp tục thực hiện để khắc phục triệt để tình trạng này trước năm 2011. Ðối với các "điểm đen" đã phát hiện, phải cải tạo xong trước ngày 30-11-2007; từ năm 2008, kịp thời phát hiện và phải bảo đảm cải tạo xong "điểm đen" trong khoảng 90 ngày kể từ khi hoàn tất hồ sơ.
Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải
Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp quy định việc đăng ký, cấp biển số cho phương tiện cơ giới của thương binh và người khuyết tật; thu hồi biển số đăng ký của phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh quy định việc cấm mô tô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Giải pháp đối với người điều khiển phương tiện.
Thu hồi không thời hạn giấy phép lái xe của lái xe khách chuyên nghiệp (loại D, E) gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng, chở quá 100% số khách cho phép và những lái xe nghiện ma túy.
Giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Từ ngày 15-9-2007, người đi mô-tô, xe gắn máy trên các tuyến quốc lộ đều phải đội mũ bảo hiểm; từ ngày 15-12-2007 người đi mô-tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra TNGT chết người do bến đò khách hoặc đò khách không đủ điều kiện an toàn sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu TNGT gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị cách chức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển từng loại phương tiện cơ giới và quy định hình thức kiểm tra sức khỏe đột xuất, định kỳ của lái xe thay thế các quy định hiện hành không còn phù hợp...
Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác trật tự ATGT (tháng 2-2003), Nghị quyết 13 của Chính phủ về các giải pháp cơ bản kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn, ùn tắc giao thông (tháng 11-2002) và Nghị quyết về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông lần này cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh đã nêu trên.