Theo đó, hiện nay trong việc chấp hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp về tải trọng phương tiện,cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn đường bộ, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và một số doanh nghiệp còn gặp một số lúng túng trong việc áp dụng các quy định về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ, dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng ở một số kho, cảng, bến bãi (trong đó có Cảng Hải Phòng) như: Hiểu chưa đúng về khái niệm hàng siêu trường, siêu trọng, xe quá tải trọng và quá khổ giới hạn đường bộ; bố trí phương tiện chưa hợp lý; việc cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổố giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng còn bất cập, chưa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính.
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần hiểu đúng khái niệm về xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn được phép lưu hành trên đường bộ, hàng siêu trường, siêu trọng tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường. Đặc biệt cần hiểu rõ hàng đông lạnh trong Container lạnh khi vận chuyển không phải là hàng siêu trọng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn, quán triệt về công tác cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng cho các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian thực hiện trong tháng 5 năm 2015. Nghiên cứu tổ chức cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3. Thời gian hoàn thành trong năm 2015.
Trước mắt hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng qua thư điện tử, fax. Doanh nghiệp chỉ đến cơ quan xin cấp phép 01 lần (đến nộp hồ sơ gốc và lấy giấy phép lưu hành). Nội dung này chỉ áp dụng cho trường họp xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ không phải thực hiện việc khảo sát, gia cường cầu đường, không phải có xe của lực lượng chức năng hộ tống, dẫn đường. Đồng thời, chủ động cử tổ công tác thực hiện cấp giấy phép ngay tại các cảng biển, cảng thủy nội địa khi có số lượng xin cấp nhiều để kịp thời giải tỏa hàng hóa (theo yêu cầu của cảng biển, cảng thủy nội địa). Rà soát các nội dung còn vướng mắc trong quá trình thực hiện việc kiểm soát tải trọng để đưa vào nội dung Thông tư thay thế Thông tư 07/2010/TT- BGTVT nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối họp với Cục Quản lý đường bộ khu vực tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp cảng và các tổ chức có liên quan hiểu rõ khái niệm về xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, hàng siêu trường, siêu trọng cũng như thủ tục cấp giấy phép lưu hành cho các phương tiện vận tải trên. Thời gian thực hiện trước ngày 15/6/2015.
Yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, các Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường thủy nội địa, các kho, cảng trên cả nước hướng dẫn các bộ phận chuyên môn nắm vững các quy định về việc xếp hàng hóa lên xe ô tô đảm bảo đúng khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ và khối lượng toàn bộ của xe không vượt quá tải trọng đường bộ./.
KC