Thứ năm, ngày 16/01/2025

Vượt qua rào cản, VEC sẽ về đích cổ phần hóa

Thứ tư, 16/09/2015 07:52 GMT+7

Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Thế Cường cho biết khó khăn còn rất nhiều, nhưng tập trung chủ yếu 3 trở ngại cản trở rất lớn đến thời điểm hoàn thành công tác cổ phần hóa của VEC.

Vướng từ ngoài vướng vào

Theo Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Thế Cường, khó khăn đầu tiên phải kể đến là vốn điều lệ của VEC quá nhỏ - chỉ có 1.018,7 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp trực tiếp, số còn lại được cấp qua bán quyền thu phí Trạm thu phí số 2 Quốc lộ 1 và Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ trong thời hạn 10 năm. Trong khi để đầu tư được mạng đường bộ cao tốc quốc gia đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước kém phát triển, vậy nên nguồn vốn ODA ưu đãi giành cho nước ta ngày càng hạn hẹp; mặt khác, nguồn vốn ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu… Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp thích hợp để thu hút các nguồn vốn khác trong và ngoài nước để đầu tư đường bộ cao tốc.

Ảnh VEC

VEC được giao làm Chủ đầu tư 5 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai,
TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành

Theo quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ: “Doanh nghiệp được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần… Trong đó: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn không vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp”, thì với số vốn điều lệ 1.018,7 tỷ đồng VEC sẽ rất khó huy động các nguồn lực đầu tư vào các dự án do VEC làm Chủ đầu tư. Chính vì lý do này, VEC đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ để tăng vốn điều lệ lên 22.161 tỷ đồng cho phù hợp với quy mô đầu tư và vốn chủ sở hữu (VEC đang quản lý các dự án với tổng giá trị trên 5 tỷ USD vốn đầu tư).

Đồng thời với chủ trương tăng vốn điều lệ, VEC cũng đã cập nhật phương án tài chính của 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư nhằm đảm bảo trạng thái cân bằng về dòng tiền trong suốt dòng đời các dự án, giúp Nhà nước giảm gánh nặng khi không phải bù khoảng 1 tỷ USD cho dòng tiền thiếu hụt tại hai dự án trọng điểm quốc gia là Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Hiện VEC đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và hoàn thiện phương án trình Bộ GTVT để Bộ trình Chính phủ xem xét.

Cái khó thứ hai VEC đang phải đối diện là tuy VEC được Nhà nước giao làm Chủ đầu tư 5 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành) nhưng VEC lại là ông chủ “vô sản”. Mà điều kiện đầu tiên để có thể tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thì VEC phải có tài sản “đủ điều kiện” mới được phát hành cổ phiếu ra thị trường. Muốn “hợp lý hóa” vấn đề này, VEC đang đề xuất với các cấp thẩm quyền được phép ký hợp đồng khai thác 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư để xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của VEC cũng như xác định thời gian khai thác hoàn vốn, thời gian khai thác sau hoàn vốn (thời gian có lãi) – có như vậy mới tạo ra lực hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng đổ vốn vào các dự án mà VEC được giao làm chủ - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn là điểm “nóng” làm đau đầu các Chủ đầu tư nói riêng và cả hệ thống chính trị của địa phương nói chung. VEC cũng không ngoại lệ. Và đây cũng là cái khó thứ ba của VEC. Nếu địa phương không bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chậm tiến độ triển khai, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy cho Chủ đầu tư và Nhà thầu.

Khó khăn là thế nhưng nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng (vốn đối ứng) cho các dự án của VEC luôn thiếu hụt và không kịp thời đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ GPMB chung của các địa phương cũng như việc chi trả cho các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án đi qua.

Đứng từ góc độ Chủ đầu tư, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường khẳng định: Nếu giải quyết được 3 rào cản trên, việc cổ phần hóa VEC sẽ về đích theo đúng tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT. VEC sẵn sàng tiến hành cổ phần hóa khi hội đủ các điều kiện cần thiết.

Đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành cổ phần hóa

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường chia sẻ, ngày 14/02/2015 Bộ GTVT có Quyết định số 676/QĐ-BGTVT thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VEC gồm 09 thành viên và đã thống nhất triển khai các bước công việc cổ phần hóa VEC; xây dựng kế hoạch tổng thể và các bước triển khai cổ phần hóa VEC. Trưởng Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo.

Ảnh mt.gov.vn

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc
 có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km. Ảnh mt.gov.vn

VEC trình Bộ GTVT Đề án tái cơ cấu của Tổng công ty và Bộ GTVT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu VEC, trong đó đề nghị cho phép điều chỉnh vốn điều lệ của VEC từ 1.018,7 tỷ lên 22.161 tỷ đồng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa các tổng công ty thuộc Bộ GTVT, trong đó có VEC.

Trong tháng 6/2015, Bộ Kế hoạch&Đầu tư và Bộ Tài chính có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với Đề án tái cơ cấu VEC; điều chỉnh tăng vốn điều lệ và tái cơ cấu mô hình tổ chức của VEC.

Ngoài ra, theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản về việc tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam. VEC đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất công tác tái cơ cấu, điều chỉnh vốn điều lệ… để chuyển sang thực hiện các bước tiếp theo của quy trình cổ phần hóa; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định vốn điều lệ của VEC; chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của VEC và trình Bộ GTVT dự toán chi phí cổ phần hóa…

VEC có 4 đơn vị thành viên, trong đó có 3 đơn vị cổ phần: (1)Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VECE: vốn điều lệ 50 tỷ, VEC chiếm 51%; đang được giao vận hành, khai thác, duy tu bảo trì đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây… (2)Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam – VECS: vốn điều lệ 89 tỷ, VEC chiếm 22%; được giao quản lý khai thác, vận hành, duy tu bảo trì một đoạn tuyến của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đang triển khai quy hoạch, thiết kế kiến trúc khu dịch vụ tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, triển khai quy hoạch hệ thống biển quảng cáo; nghiên cứu lắp đặt trạm, cáp viễn thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư… (3)Công ty cổ phần Tư vấn đường cao tốc Việt Nam – VECC: vốn điều lệ 10 tỷ, VEC chiếm 55%.

Riêng Công ty TNHH MTV Vận hành và Bảo trì đường cao tốc – VEC O&M, với số vốn điều lệ 5 tỷ; đang được giao công tác quản lý, vận hành, khai thác, duy tu bảo trì tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và các tuyến đường tiếp theo do VEC làm Chủ đầu tư, hiện đang triển khai các bước để xác định giá trị doanh nghiệp và lựa chọn tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp.

VEC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)