Lực lượng Cảnh sát giao thông – Công an huyện Thanh Ba tăng cường tuần tra,
kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Văn hóa giao thông được cụ thể hóa với nhiều tiêu chí nhưng cốt lõi vẫn là sự hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông nhưng ở mức độ cao hơn. Thực tế cho thấy, đảm bảo ATGT phụ thuộc nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông, do vậy, thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật của người dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng để mỗi cá nhân có trách nhiệm với chính bản thân và người xung quanh khi tham gia giao thông. Ban ATGT huyện phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT phù hợp với thực tế như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, các biện pháp phòng, tránh tai nạn đối với người tham gia giao thông; tăng cường rà soát cơ sở hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục tồn tại trong kết cấu hạ tầng giao thông, bổ sung hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, cảnh báo an toàn nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền về trật tự ATGT và chấp hành Luật giao thông trong các hội nghị, cuộc họp. Đài truyền thanh huyện mở chuyên mục riêng về đảm bảo ATGT với thời lượng 2 buổi/tuần. Từ đầu năm đến nay, Ban ATGT huyện tổ chức phổ biến Luật tới học sinh, sinh viên bằng hình thức sân khấu hóa tại 2 trường THPT và 1 trường cao đẳng, thu hút trên 4.000 cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tham dự. Ông Trần Thanh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT huyện cho biết: Ý thức chấp hành Luật của người tham gia giao thông là yếu tố quyết định trong đảm bảo ATGT, vì thế công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, tiến tới hình thành văn hóa giao thông là điều cần thiết. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền được huyện làm tích cực, quyết liệt cho người dân hiểu đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, tự giác chấp hành Luật khi tham gia giao thông.
Huyện Thanh Ba có khoảng 20km đường sắt chạy qua với 27 đường ngang dân sinh, huyện đã rà soát tất cả các đường ngang để có biện pháp cảnh báo, đề phòng tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại 7 xã có tuyến đường sắt đi qua, Ban ATGT huyện phối hợp với các xã tổ chức phát quang, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt, đảm bảo không bị che khuất tầm nhìn, đồng thời ký cam kết về đảm bảo trật tự ATGT đến 22 tổ chức doanh nghiệp, 6 bến đò ngang, 2 nhà ga đường sắt, 89 lái xe ô tô tải, 100% công an, chính quyền địa phương các xã trên địa bàn; kiểm tra, giải tỏa, nhắc nhở các hành vi che chắn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Toàn huyện đã thực hiện 25 đợt giải tỏa hành lang ATGT, tháo dỡ lều quán, biển quảng cáo không đúng quy định; nhắc nhở 400 lượt hộ vi phạm hành lang ATGT và ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT.
Cùng với công tác tuyên truyền, để nâng cao ý thức của người dân, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã phát hiện, xử lý trên 7.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông, tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Trong đó, các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm trên 1.300 trường hợp, sử dụng rượu bia trên 900 trường hợp, chuyển hướng không có tín hiệu báo rẽ trên 350 trường hợp... Đồng chí Phan Văn Tuyến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện) cho biết: Để đảm bảo ATGT, chúng tôi tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào công tác tuần tra kiểm soát, thay đổi linh hoạt tuyến, địa bàn, phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn là vấn đề cơ bản nhất, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền theo hướng chuyên sâu, qua đó vận động nhân dân chấp hành Luật Giao thông và tham gia quản lý trật tự ATGT.
Hệ thống giao thông của huyện Thanh Ba được kết nối tương đối đồng bộ, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo đảm trật tự ATGT. Vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông để mỗi người tham gia giao thông có văn hóa, chấp hành đúng, tự giác sẽ góp phần giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông, tạo môi trường giao thông văn minh, thân thiện, an toàn.