Hệ thống biển báo được tăng cường tại những “điểm đen” nhằm giảm thiểu TNGT.
“Điểm đen” TNGT - Nỗi ám ảnh
Theo số liệu báo cáo Ban ATGT tỉnh Phú Thọ, 9 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ TNGT, làm chết 40 người và bị thương 51 người. Trong đó, những địa phương xảy ra nhiều TNGT nhất là huyện Đoan Hùng (10 vụ, 6 người chết, bị thương 7 người), Lâm Thao (8 vụ, 5 người chết, bị thương 4 người), huyện Thanh Sơn và thành phố Việt Trì đều có số người chết là 3 người. Các vụ TNGT được xác định do một số nguyên nhân như: Sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông; hạ tầng đường giao thông còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thiết thực; chính quyền cấp cơ sở đôi lúc chưa thực sự vào cuộc và còn thiếu kiên quyết trong việc giải quyết các tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng, các điểm họp chợ lấn chiếm hành lang ATGT... Chính những điều này dẫn đến sự hình thành của các “điểm đen” TNGT.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều “điểm đen” TNGT, thường xuyên xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Phần lớn các “điểm đen” hình thành tại vị trí các điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đặc biệt có những điểm xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư... nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển báo cảnh báo nguy hiểm; nhiều “điểm đen” hình thành tại những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn...
Tuyến QL32, từ Km79+500 - Km80+00 (đoạn cuối nút giao giữa QL32 và đường Hồ Chí Minh) thuộc địa bàn các xã: Cổ Tiết, Phương Thịnh, Tề Lễ, Thọ Văn của huyện Tam Nông thường được nhắc đến là một trong những “điểm đen” về ATGT. Chỉ tính riêng năm 2017, tại vị trí này đã xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 2 người và bị thương 2 người. Nguyên nhân TNGT được xác định là do mặt đường nhỏ, cong cua, độ dốc cao, khuất tầm nhìn,… Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thi công điều chỉnh cục bộ đoạn tuyến, cải thiện độ dốc, giải tỏa hành lang, đảm bảo tầm nhìn, sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng, đèn, biển báo ATGT. Đến nay, công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó, tình hình TNGT tại vị trí này đã được cải thiện số vụ TNGT giảm rõ rệt. Anh Nguyễn Anh Dũng, là người dân sống gần khu vực này cho biết: “Trước đây, khu vực này thường xuyên xảy ra va chạm, TNGT đã trở thành nỗi ám ảnh cho những ai đi qua khu vực này. Từ khi “điểm đen” này được cải tạo đến nay, tôi chưa thấy xảy ra vụ va chạm, TNGT nào”.
Tương tự, tuyến đường QL32 tránh thành phố Việt Trì, trên đoạn tuyến Km11+500 - Km21+00 (đoạn từ chợ Nú đến cầu Phong Châu), tình hình TNGT diễn ra rất phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 7/2016 - 5/2018 trên đoạn tuyến này đã xảy ra 19 vụ va chạm, TNGT, làm chết 20 người và bị thương 27 người. Nguyên nhân xảy ra TNGT trên đoạn tuyến này một phần là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế, mặc dù các đơn vị chức năng đã tiến hành cắm biển cấm xe ô tô một chiều hướng ngược lại để giảm thiểu lưu lượng nhưng các xe vẫn “ngang nhiên” vi phạm. Một phần do đây là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, bên cạnh đó một số đoạn chưa thi công xong, mặt đường hẹp lại thiếu hệ thống biển báo đèn báo và đèn đường.
Trước thực trạng đó, Sở Giao thông vận tải Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trạng và xác định trên đoạn tuyến Km11+500 - Km21+00 có 3 “điểm đen” về ATGT cần xử lý, khắc phục ngay như lắp đèn tín hiệu giao thông nhằm đảm bảo trật tự ATGT, gồm: Nút giao tại Km10+700 (nút giao với đường vào Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì), Km19+000 (nút giao với QL32C và đường tỉnh 324B - nút giao xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao), Km21+00 (nút giao với QL2D - đầu cầu Phong Châu, huyện Lâm Thao).
Đơn vị thi công tiến hành giải tỏa tầm nhìn cho người tham gia giao thông
tại Km79+500 - Km80+00, địa bàn huyện Thanh Sơn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, giai đoạn 2014 - 2019, trên phạm vi toàn tỉnh có 21 “điểm đen” mất ATGT cần được khắc phục, xử lý. Đến nay, đã xử lý xong 20/21 điểm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm tỷ lệ TNGT trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 21 “điểm đen” mất ATGT thì tập trung chủ yếu trên các tuyến Quốc lộ (19 vị trí) và 2 vị trí thuộc Đường tỉnh 316E. Để kịp thời xử lý tình trạng mất ATGT tại các “điểm đen”, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nhằm thống kê chính xác thực trạng tại các vị trí “điểm đen” để kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, khắc phục đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn của người dân.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT tới mọi người dân; Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, khảo sát và thực hiện việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm, sơn gờ giảm tốc tại tất cả các “điểm đen” và các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Tiến hành kiểm tra và lắp gương cầu tại các khu vực đường cong, khuất tầm nhìn; kiểm tra rà soát tất cả các điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt để có giải pháp bảo đảm trật tự ATGT... Đến nay triển khai thi công được 85% khối lượng công việc theo yêu cầu, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo trật tự ATGT cho người tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Ông Ngô Quang Ước - Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Những năm qua, Sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm các “điểm đen” về TNGT. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xử lý dứt điểm 6 “điểm đen” mất ATGT. Đối với “điểm đen” thuộc Km21+100 (đầu cầu Phong Châu), đơn vị đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2019.
Xóa bỏ các “điểm đen”, mất ATGT là một trong những việc làm cần thiết mà địa phương và ngành chức năng cần phải đặc biệt quan tâm thực hiện, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ngăn ngừa và giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xóa bỏ mỗi “điểm đen” một cách bền vững không chỉ đòi hỏi phương án kỹ thuật khắc phục của các cơ quan chức năng, bên cạnh đó cần được sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân bằng cách nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.