Thứ ba, ngày 29/04/2025

Đường Hồ Chí Minh: Động lực phát triển toàn diện

Thứ hai, 02/11/2009 07:21 GMT+7
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội khoá XII - Kỳ họp thứ 6 về kết quả thực hiện Nghị quyết 38/2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch tổng thể, đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 3.167km, nối từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư: năm 2000 - 2007, năm 2008 -2010 và năm 2010 - 2020. Đến nay, đoạn  từ Hoà Lạc (Hà Nội) – Tân Cảnh (Kon Tum) có chiều dài 1.350km đang được đưa vào khai thác sử dụng và được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu ngày 21/3/2008. Hiện giai đoạn II của dự án đang được triển khai, đã hoàn thành 1/28 dự án thành phần, 17 dự án đang trong thời kỳ thi công hoặc đấu thầu, còn lại đang lập dự án đầu tư hoặc tìm nguồn vốn đầu tư  ODA. Sản lượng thực hiện tính từ khi khởi công dự án đến hết tháng 9/2009 đạt 14.696 tỷ đồng. Về giải ngân, giai đoạn I đạt 99,2% và giai đoạn II đạt 41% nguồn vốn bố trí.   Công tác chống sụt trượt, bền vững hoá công trình đối với đoạn tuyến giai đoạn I được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Dự án đã áp dụng các công nghệ bền vững truyền thống, đồng thời áp dụng rộng rãi các công nghệ xử lý sụt trượt tiên tiến như công nghệ neo OVM của Trung Quốc, trồng cỏ vetiver, rọ đá macaffery... Thống kê từ năm 2001 đến năm 2007 cho thấy, dù liên tiếp chịu tác động, tàn phá của các cơn bão lịch sử (nhất là năm 2006, 2007), nhưng số lượng các điểm sụt trượt trên đường Hồ Chí Minh giảm từ 542 điểm xuống còn 57 điểm. Vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (tháng 9/2009), toàn tuyến phát sinh 115 điểm sụt trượt, trong đó chỉ có 24 điểm sụt trượt lớn và đều là các điểm sụt trượt mới hoặc đang trong quá trình thi công. Các vị trí trên đều được đơn vị quản lý đường, đơn vị thi công thực hiện các giải pháp để đảm bảo giao thông.   Đánh giá của Bộ GTVT cho thấy, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hoà Lạc - Tân Cảnh (giai đoạn I) được đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần quan trọng trong thực hiện công cuộc xoá đói, giảm nghèo; hiệu quả bước đầu đã thể hiện rõ rệt là làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, văn hoá của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; tạo điều kiện phát triển kinh tế tiềm năng phía Tây của Tổ quốc...   Từ tháng 7/2008, Bộ GTVT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khai thác, sử dụng đường Hồ Chí Minh và ngày càng thu hút lưu lượng phương tiện tham gia giao thông. Một số đoạn (nhất là đoạn Hà Nội - Thanh Hoá) đã góp phần đáng kể trong việc giảm tải giao thông cho QL1, đặc biệt  trong thời gian xảy ra mưa lũ gây ách tắc giao thông QL1. Đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn I đã mở ra khả năng khai thác du lịch đối với những khu du lịch sẵn có như khu du lịch Đồng Mô, di tích Lam Sơn, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, rừng Cúc Phương, Bến En, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Ngọc Linh..., và các di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ trên đường Hồ Chí Minh năm xưa như: Đồng Lộc, Khe Giao, Xuân Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.   Hiện nay, giai đoạn II của dự án đang tập trung triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Với chủ trương của Nhà nước về ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, cùng với tốc độ phát triển của các khu vực nói trên đang đặt ra yêu cầu bức thiết về GTVT. Và khi giai đoạn II hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả cao và toàn diện về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Các dự án thành phần thuộc giai đoạn II bắt đầu được  triển khai thi công đồng loạt từ quý IV/2008.   Thực tế cho thấy, các dự án đã triển khai đang gặp một số khó khăn về: tiến độ GPMB; tuyến đường đi qua nhiều vùng miền có địa chất, thuỷ văn phức tạp, đòi hỏi công tác khảo sát, thiết kế công trình kỹ lưỡng và thực hiện phương án bảo vệ công trình tối ưu; việc bố trí vốn đầu tư chậm, số dự án thành phần đến đầu năm 2009 mới có chủ trương đầu tư và ảnh hưởng  suy thoái kinh tế. Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát để dự án hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.    

Bạn đường

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)