Thứ năm, ngày 15/05/2025

Gia Lai: 3 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách để kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông”

Thứ năm, 24/09/2009 18:13 GMT+7
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp các ngành, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 32 cũng đã góp phần cùng với cả nước kiềm chế được TNGT, năm sau giảm hơn năm trước, năm 2008 đã giảm được trên 220 người chết và bị thương so với năm 2007; TNGT 8 tháng đầu năm 2009 giảm được 20 vụ, giảm được 33 người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2008.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên khá nhanh, làm gia tăng tai nạn giao thông(TNGT), đặc biệt là TNGT đường bộ đã gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đã và đang là vấn đề xã hội hết sức bức xúc, nghiêm trọng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm. Những năm đầu tiên của Thế kỷ 21, mỗi năm xảy ra bình quân trên 2 vạn vụ tai nạn giao thông đường bộ, hơn 1 vạn người chết và hơn 1 vạn người bị thương, nhưng năm 2006 số người chết do TNGT gia tăng đột biến, trên 1,3 vạn người; vì vậy Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 32) về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, bao gồm các nhóm giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông; kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật ATGT và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông vận tải; về kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải; giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp theo, vào tháng 7/2007, tại HàNội Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị ATGT toàn quốc và quán triệt Nghị quyết đến lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Giám đốc Công an và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trong cả nước, yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết 32 đồng bộ, đều khắp trên cả nước. Kết quả, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32, TNGT đã được kiềm chế, đã làm giảm được hàng người thương vong mỗi năm.
Đối với tỉnh Gia Lai, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp các ngành, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 32 cũng đã góp phần cùng với cả nước kiềm chế được TNGT, năm sau giảm hơn năm trước, năm 2008 đã giảm được trên 220 người chết và bị thương so với năm 2007; TNGT 8 tháng đầu năm 2009 giảm được 20 vụ, giảm được 33 người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2008.
Tuy nhiên, cơ sở xã hội của việc giảm TNGT chưa bền vững, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa triệt để, đều khắp; TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra trên địa bàn; quan sát thực tiễn thì người đi mô tô không đội mũ chở 3 - 4 người vẫn còn, điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, xe ô chở quá tải, vào đường cấm, khu vực cấm vẫn thường diễn ra; xe máy kéo chở người, điều khiển xe mô tô không đăng ký, không có giấy phép lái xe, học sinh tan trường đi hàng 3 hàng 4 trên đường vẫn còn; số lượng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật đã được các lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý năm sau cao hơn năm trước hàng ngàn trường hợp là số liệu để chứng minh tính chưa bền vững của việc kiềm chế TNGT. Vì vậy, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đòi hỏi chúng ta phải thực hiện kiên trì, liên tục và lâu dài mới có thể chuyển biến từ ý thức đến hành động tự giác chấp hành pháp luật giao thông thì mới mong đạt được mục tiêu kiềm chế và giảm TNGT một cách bền vững, trên diện rộng.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm coi trọng vì đây là biện pháp cấp bách cũng như lâu dài, từng bước tổ chức thực hiện thông qua các kênh tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của các cơ quan báo chí, các sở ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng mạnh mẽ, đa dạng hơn về hình thức, phong phú về phương pháp để người dân ở mỗi thôn làng, vùng sâu vùng xa đều nắm bắt được pháp luật về an toàn giao thông. Kết hợp đồng thời với công tác tuyên truyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật an toàn giao thông. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chọn điểm tổ chức mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với An toàn giao thông” tại thị trấn Phú Thiện - huyện Phú Thiện đã bước đầu mang lại hiệu quả, đã sơ đánh giá rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong tỉnh như thành phố Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Mang Yang, … Tổ chức Hội nghị biểu dương cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT để động viên phong trào “Phụ nữ với ATGT”. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quy định và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang phải thực hiện nghiêm túc công tác vận động, phổ biến kiến thức pháp luật, yêu cầu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, đồng thời xử lý thích đáng đối với cán bộ, công chức, chiến sỹ vi phạm; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh còn có quy định không xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc có cán bộ, chiến sỹ vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Song song với công tác tuyên tuyền, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác tuần tra kiểm soát theo chuyên đề, tăng cường mạnh mẽ lực lượng trong các đợt cao điểm, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, nhưng đồng thời vận dụng linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể trong khuôn khổ pháp luật. Tỉnh quan tâm đầu tư phượng tiện, công cụ hỗ trợ trang bị cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông; Chỉ đạo thí điểm lắp đặt camera trên địa bàn thành phố Pleiku thực hiện xử phạt thông qua hình ảnh để tăng cường tính giáo dục, răn đe đối với các đối tượng tham giao giao thông mà ý thức tự giác chấp hành pháp luật còn rất kém. Quản lý, giám sát chặt chẽ công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các cơ sở sát hạch, đào tạo giúp cho người học có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong việc học và thi để cấp giấy phép lái xe. Tại các vị trí trọng yếu, phức tạp về giao thông đều có bố trí lực lượng chức năng của Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố làm nhiệm vụ, đồng thời bố trí lực lượng tuần tra lưu động thường xuyên thay đổi giờ, địa điểm để kiểm soát tốc độ, xe ô tô chở quá tải, quá khổ lưu thông trên địa bàn. Đối với thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn huy động lực lượng Công an xã, các Tổ tự quản tuần tra, kiểm soát, xử lý người đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm; đi xe mô tô không có biển số đăng ký hoặc chở quá số người quy định... Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông tại các giao lộ, các vị trí có mật độ giao thông cao, phức tạp tại thành phố Pleiku, các thị xã, thị trấn trong tỉnh.
Công tác triển khai thực hiện giai đoạn 1 Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ ban hành theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ chức, cá nhân tự nguyện tháo dỡ trên 2.200 công trình tạm; cưỡng chế giải tỏa và đình chỉ thi công 510 trường hợp cới nới, xây dựng trái phép. Các địa phương như Chư Prông, Chư Păh, Chư Sê, Ia Grai, … đã có quyết tâm cao và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng Thanh tra giao thông địa phương và Trung ương thường xuyên tuần tra kiểm soát, bảo vệ công trình giao thông, phối hợp với địa phương chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Phát huy kết quả giai đoạn 1, trong giai đoạn 2 tỉnh đang chỉ đạo thực hiện giải tỏa các vi phạm trong phạm vi 5 mét - 7 mét đã được đền bù trên các quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ các đường đấu nối trái phép vào các quốc lộ 14, 19 và 25 đi qua địa bàn tỉnh.
Giải pháp bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi mô tô, xe gắn máy đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa chấn thương sọ não dẫn đến tử vong do TNGT, kết quả đã giảm mạnh số người chết do TNGT gây ra qua các năm; đã hình thành được thói quen văn hóa của người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy là đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên cố tình vi phạm quy định này. Ngoài ra, cũng còn có một bộ phận phụ huynh chở con em mình bằng xe cơ giới 2 bánh cũng “quên” đội mũ bảo hiểm cho con, em mình thì đồng thời cũng có nghĩa là “quên” bảo vệ tính mạng của con, em mình khi rủi ro xảy ra TNGT.
Một giải pháp khác mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông là khắc phục, xử lý “điểm đen”và các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT; việc đầu tư xử lý điểm đen với một kinh phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tai nạn. Sau khi thí điểm có hiệu quả tại thành phố Pleiku, các huyện, thị xã triển khai lắp dải phân cách để phân luồng giao thông trên các tuyến giao thông chính, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ trong nội thị để điều tiết có hiệu quả các luồng giao thông gây xung đột, có nguy cơ gây ra TNGT. Kết quả mang lại khá khả quan, điển hình như điểm đen Hội Phú - thành phố Pleiku, dốc cầu Ia Châm ĐT664 - huyện Ia Grai, sau khi đã được xử lý, số vụ TNGT đã giảm đến 95%.
Tuy nhiên, giải pháp về phương tiện và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước vẫn còn tồn đọng. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình để thay thế xe độ chế, xe ô tô hết hạn lưu hành chưa được các huyện, thị xã quan tâm đúng mức; tính đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh chưa triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ nông dân có loại phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông theo quy định của Chính phủ; chậm ban hành văn bản pháp quy làm căn cứ để củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý chuyên trách về an toàn giao thông từ Trung ương đến cơ sở.
Tóm lại, sau gần 3 năm triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách của Chính phủ đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã kéo giảm được số người thương vong do TNGT; bước đầu xây dựng cơ sở, nền nếp “văn hóa giao thông” trong hình hình mới. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mang tính xã hội cao, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội còn cần có sự hợp tác, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người khi tham gia giao thông, thì đây mới là cơ sở vững chắc, bảo đảm kiềm chế và giảm TNGT một các bền vững. 
Nguyễn Trung Tâm, TUV. Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)