Thứ bảy, ngày 11/01/2025

Chưa tiêm vaccine, thuyền viên Việt Nam đối diện nguy cơ thất nghiệp

Thứ ba, 29/06/2021 08:51 GMT+7

Thuyền viên Việt Nam có thể bị mất nhiều cơ hội việc làm tốt trên tàu nước ngoài do chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Chủ tàu, thuyền viên đang mong mỏi được ưu tiên chính sách tiêm vaccine Covid-19
để chớp "cơ hội vàng" về mức lương - Ảnh minh họa

"Đỏ mắt" chờ vaccine

Nhiều chủ tàu Việt Nam cho biết, hiện một số quốc gia như: Bỉ, Ấn Độ đã khởi động chương trình tiêm vaccine cho thuyền viên.

Đáng nói, để đảm bảo an toàn cho những tuyến vận tải dài ngày trên biển, một số chủ tàu đã yêu cầu hoặc ưu tiên việc làm cho các thuyền viên được tiêm vaccine. Nếu không được tiêm vaccine sớm, thuyền viên Việt Nam sẽ mất rất nhiều cơ hội việc làm.

Đồng nghĩa, “sức khỏe tài chính” của các doanh nghiệp vận tải biển và cung ứng thuyền viên của Việt Nam sẽ yếu dần, khó có thể trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Hiện tại, mức lương “đánh thuê” của chức danh thủy thủ tăng lên đáng kể, đạt từ 20 - 32 triệu/tháng so với mức 16 - 17 triệu ở thời điểm 5 tháng trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đối với chức danh sỹ quan vận hành, mức lương cũng duy trì ở mức hấp dẫn, từ 1.900 - 2.600 USD/tháng (tùy từng tàu). Vì vậy, nếu không được tiêm vaccine sớm, thuyền viên Việt Nam sẽ mất lợi thế trong “thời gian vàng”, ông Trần Hữu Vinh, PGĐ Công ty CP Vận tải và đầu tư Thương mại An Thái.

Nguy cơ thuyền viên “đói việc” đã cận kề, song, Hiệp hội Chủ tàu VN cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa có phản hồi cụ thể về chính sách tiêm vaccine cho thuyền viên dù hiệp hội này và doanh nghiệp đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị.

“Thuyền viên đã được Bộ Luật Lao động của Việt Nam đưa vào danh mục đối tượng lao động đặc thù và được Tổ chức Hàng hải quốc tế coi là lực lượng lao động đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới. Vì vậy, việc ưu tiên tiêm vaccine cho thuyền viên là hoàn toàn phù hợp”, ông Bùi Việt Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng hải VN cũng vừa có văn bản yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng khẩn trương phối hợp với các cảng vụ hàng hải đề xuất tiêm vaccine cho thủy thủ, sỹ quan tàu biển.

Trước đó, nhận định về nguy cơ về làn sóng lây nhiễm các biến thể mới của Covid-19, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, Phó Tổng Thư ký thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã gửi thư tới Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đề xuất ý tưởng về việc IMO cần khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên (không kể quốc tịch) vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đánh giá cao đề xuất từ Ban Thư ký IMO Việt Nam và một số quốc gia khác, tháng 5/2021, Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine cho các thuyền viên của mình.

Cùng với đề nghị doanh nghiệp phối hợp với các cảng vụ hàng hải đề xuất tiêm vaccine cho thuyền viên, Cục Hàng hải VN cũng yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu chấp hành nghiêm việc kiểm soát thuyền viên trong quá trình hoạt động - Ảnh minh họa

Xử nghiêm doanh nghiệp để thuyền viên nhiễm dịch, lây lan cộng đồng

Bên cạnh việc vấn đề tiêm vaccine cho thuyền viên, Cục Hàng hải cũng chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải biển, chủ tàu cân nhắc việc ký hợp đồng, điều động tàu đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Khi phương tiện, tàu thuyền hoạt động tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, thuyền trưởng không được để thuyền viên đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ bờ lên tàu.

Khi phương tiện, tàu thuyền quay về Việt Nam, thuyền viên không được đi bờ. Tất cả các trường hợp thuyền viên lên bờ đều phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

“Các doanh nghiệp, thuyền trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không kiểm soát chặt chẽ, quản lý thuyền viên, người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Cục Hàng hải VN đề nghị.

Các cảng vụ hàng hải được giao trách nhiệm tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển và chính quyền địa phương tăng cường giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cảng, bến trong phạm vi quản lý.Xử nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Riêng đối với các cảng vụ hàng hải: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hành khách, thuyền viên tại khu vực cảng biển, cửa khẩu biên giới, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với tàu thuyền, phương tiện vận chuyển người Việt Nam về nước từ Campuchia đảm bảo phát hiện sớm, truy vết nhanh đối với các trường hợp nhiễm bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh”, Cục Hàng hải VN chỉ đạo.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)