Thứ tư, ngày 30/04/2025

QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010

Thứ sáu, 23/10/2009 07:22 GMT+7
Ngày 22/10, QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
Ngày 22/10, QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
 
Các ĐBQH nhận định: với sự nỗ lực của Chính phủ các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn, tạo điều kiện để kinh tế nhanh chóng phục hồi, cũng như đạt các chỉ tiêu chính theo Nghị quyết của QH. Chính sách hỗ trợ lãi suất, và miễn, giảm, giãn thuế đã giúp nhiều doanh nghiệp, các hộ sản xuất vượt qua khó khăn, giảm chi phí vốn, hạ giá thành, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Nhưng ĐBQH cũng cho rằng, việc thực hiện các giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội vẫn còn không ít hạn chế. Trong đó, có những mặt hạn chế đã tích tụ trong nội tại nền kinh tế, song cũng có những hạn chế mới phát sinh do tác động trái chiều của việc thực hiện các chính sách mới ban hành, những bất cập nảy sinh trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp của Chính phủ. Đặc biệt là gói kích thích kinh tế mới chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, ngắn hạn, chưa chú ý đến tái cấu trúc cơ cấu kinh tế. Những hạn chế này không phải chưa được định liệu trước. Theo ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), tại Kỳ họp thứ Năm, đã có một số ĐBQH nhận định gói kích thích kinh tế mang tính chất kích cung nhiều hơn kích cầu và đề nghị Chính phủ cần quyết tâm và nỗ lực để thực hiện các giải pháp sát với mục tiêu được đề ra. Do vậy, các ĐBQH đề nghị, trong Báo cáo kết quả việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm cần bổ sung thêm phần kiểm điểm trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ ngành trong công tác điều hành kinh tế - xã hội.
 
Một bất cập khác được các ĐBQH tập trung thảo luận là: ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế đến khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bởi dù một nguồn vốn lớn đã được Chính phủ huy động để kích thích nền kinh tế, nhưng người nông dân, khu vực nông thôn, nông nghiệp lại được hưởng lợi từ chính sách này còn ít. Có hiện tượng trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất và thủ tục cho vay rườm rà khiến người nông dân khó tiếp cận nguồn vốn này. Các ĐBQH đề nghị, tiếp tục thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất cho nông dân và cải tiến thủ tục để có thêm nhiều nông dân được hỗ trợ vượt qua khó khăn.
 
ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đặt câu hỏi: có thể yên tâm khi một số cân đối vĩ mô chưa thật sự vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn hay không? Bên cạnh đó, quy mô tăng trưởng mới chỉ theo chiều rộng, hệ số sử dụng vốn (ICOR) tăng lên một mức mới là 8, khiến tăng trưởng kinh tế không bền vững. Các ĐBQH Nguyễn Minh Hà (Hà Nội), Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) đề nghị, trong năm 2010, cần tập trung, nỗ lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và thực hiện một chương trình tổng thể cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những hạn chế, yếu kém của cơ cấu kinh tế. Gói kích thích kinh tế thứ hai, nếu được triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn bó chặt chẽ với quá trình tái cấu trúc cơ cấu kinh tế. Các thứ tự ưu tiên đầu tư của đất nước, của nền kinh tế cũng cần được xác lập bởi nguy cơ lạm phát, tụt hậu trong giai đoạn hậu suy thoái đang ngày càng rõ ràng. Và không nên theo đuổi mức tăng trưởng kinh tế mà cần đặt trọng tâm vào mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng – ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đăk Lăk) nhấn mạnh.
 
Đối với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong năm 2010, ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) cho rằng, không nên đưa ra các con số để lấy thành tích. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu… cần hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn, và sát với thực tế để chủ động hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, có chiến lược phát triển kinh tế hợp lý. Còn ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội), Phùng Thanh Kiểm (Lạng Sơn), Nguyễn Nhật (Hà Tĩnh) đề nghị, chỉ tiêu mức bội chi ngân sách năm 2010 nên không quá 6% GDP và cần có kế hoạch cụ thể để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP, như đề nghị của UB Kinh tế. Bởi nếu bội chi tiếp tục tăng cao nhiều năm sẽ ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Hơn nữa, nếu tiếp tục có mức bội chi cao thì liệu có giảm được chỉ số ICOR, nâng hiệu quả đầu tư toàn xã hội hay không? – ĐB Nguyễn Nhật băn khoăn.
Người đại biểu nhân dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)