Đe dọa dòng chảy hàng hóa toàn cầu
Hoạt động tại nhiều cảng biển trên khắp thế giới đang dần được hồi phục sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, một vấn đề mới lại phát sinh là các cuộc đình công lan rộng trên khắp châu Âu.
Theo dữ liệu mới do Công ty Project44 (Dự án 44) cung cấp trong báo cáo tháng 7 vừa qua, tại Đức, nơi mà 30 năm qua không hề có cuộc đình công nào thì hiện tại, tình trạng này diễn ra liên miên. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Lan.
Tắc nghẽn tại cảng Hamburg, cảng lớn thứ 3 của châu Âu. Ảnh: Getty
Anh không là ngoại lệ, khi đang đứng trước nguy cơ diễn ra một làn sóng đình công tại cảng Felixstowe và Liverpool.
Ông William Bain, người phụ trách chính sách thương mại tại Phòng Thương mại Anh cho biết, các cuộc đình công này có thể khiến các vấn đề trong chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng, gia tăng sức ép giá cả trong bối cảnh kinh tế nước Anh vốn đã gặp phải hàng loạt khó khăn.
Tại nhiều cảng trên toàn cầu, cùng với đình công, hàng hoá của Nga tại nhiều cảng nước ngoài bị ùn ứ vì xung đột Nga – Ukraine, chưa kể số lượng hàng hoá từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi cảng Thượng Hải mở cửa.
Theo ông Josh Brazil, chuyên gia về chuỗi cung ứng của Công ty Dự án 44, các cuộc đình công tại châu Âu và các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã làm gián đoạn lịch trình tàu, khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ngày càng trầm trọng.
“Hiện các cảng Rotterdam, Hamburg và Bremerhaven đang phải vật lộn để tiếp nhận tàu đúng giờ… Các cuộc đình công cũng cản trở hoạt động vận tải các mặt hàng xuất khẩu chính như ô tô, máy móc và các sản phẩm hóa chất”, ông Josh Brazil nói.
Lý do đình công lan rộng
Câu hỏi đươc đặt ra là vì sao các công nhân cảng lại đình công vào thời điểm này, trong bối cảnh vận tải biển được đánh giá là sẽ có lợi nhuận rất lớn?
Cuối tháng 7, hãng vận tải Đức Hapag Lloyd cho biết, họ dự kiến lợi nhuận cả năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 17,5 - 19,5 tỷ USD, tăng thêm 5 tỷ USD so với dự báo đưa ra vào tháng 5.
Về phía các cảng, đặc biệt là dựa trên báo cáo tài chính của một số nhà khai thác cảng, triển vọng doanh thu cũng rất hấp dẫn. HHLA, đơn vị khai thác nhiều cảng lớn của châu Âu, cũng ghi nhận doanh thu tăng 12,7% lên 1,4 tỷ USD trong năm tài chính 2021.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng châu Âu (Màu xanh là bình thường,
màu vàng là tắc nghẽn mức vừa và màu đỏ là rất tắc nghẽn). Ảnh: CNBC
Theo CNBC, điều mấu chốt gây nên sự chia rẽ giữa người lao động và các ông chủ cảng đó là mức lương không theo kịp tốc độ lạm phát.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, liên đoàn lao động nước này đang kêu gọi xây dựng một thoả thuận tập thể mới về tiền lương được tự động điều chỉnh theo lạm phát hàng năm cho công nhân tại 58 cảng và nhà ga.
Tuy vậy, quá trình thương thảo đang hết sức khó khăn khi Hiệp hội Các công ty cảng biển Đức (ZDS) và liên đoàn lao động nước này chưa thể đạt được đồng thuận.
Người phụ trách ngành hàng hải của Liên đoàn Lao động Đức, bà Maya Schwiegershausen-Güth cho biết: “Chi phí sinh hoạt thiết yếu như năng lượng và thực phẩm liên tục tăng cao đã trở thành gánh nặng đối với người lao động Đức, đặc biệt là những người được trả lương thấp”.
Viện dẫn trường hợp cảng Felixstowe, ông Josh Brazil cũng cho biết, công nhân đóng tàu đã được đề nghị tăng 5% lương trong năm nay, nhưng lạm phát ở Anh vào khoảng 11,9%. Do đó, mức lương trên thực tế giảm đi khoảng 6%.
“Trong khi đó, Công ty Đường sắt và Cảng Felixstowe đang trả cho các cổ đông lớn gần 100 triệu bảng Anh lợi nhuận. Rõ ràng đã đến lúc các công ty lớn cần phải chia sẻ bớt với nhân viên, chứ không chỉ với các cổ đông”, ông Josh Brazil nói.
Trước tình hình bất đồng lan rộng, Liên đoàn Công nghiệp Anh CBI cho biết, tiếp tục đối thoại một cách xây dựng là việc cần làm để ngăn chặn các cuộc đình công tái diễn”.
Đồng thời, họ cho rằng nếu tình trạng đình công vẫn tiếp diễn, cả người lao động và người sử dụng lao động đều lo ngại về giá cả gia tăng do tắc nghẽn khiến chi phí vận tải bị đội lên.
Khi nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng trong mùa mua sắm hè, các chủ hàng và nhà bán lẻ có thể phải tìm cách chuyển hàng hóa của họ bằng xe tải vì xe tải nhanh hơn và linh hoạt hơn.
Song, cách làm này sẽ gây áp lực lên hệ thống vận tải đường bộ cũng đang không kém phần khó khăn khi cuộc sống dần trở lại bình thường.
Theo đánh giá của Công ty Project44 (Dự án 44), dù hoạt động của các cảng biển dần nhộn nhịp hơn sau dịch Covid-19, song nếu các bất đồng không sớm được giải quyết và làn sóng đình công tiếp tục lan rộng, hệ lụy kéo theo sẽ là khôn lường khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.