Thứ sáu, ngày 24/01/2025

Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận: Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Thứ hai, 14/11/2022 11:50 GMT+7

Căn cứ Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định “Ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và thực hiện Văn bản số 3173/CHHVN-PC ngày 15/9/2022 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật năm 2022.
Tròn 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật đã được cán bộ, viên chức, người lao động Cảng vụ hàng hải Bình Thuận triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Bình Thuận phổ biến Ngày Pháp luật Việt Nam

Để triển khai thực hiện Ngày Pháp luật năm 2022 có chất lượng, thiết thực, hiệu quả; ngày 09/11/2022, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cảng vụ hàng hải Bình Thuận tổ chức buổi Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Bình Thuận và có sự góp mặt của BCH. Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận; Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận; Phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bình Thuận và một số doanh nghiệp khai thác cảng, Chủ tàu/Thuyền trưởng các tàu hàng, tàu khách hoạt động tại khu vực.

Các đại biểu và khách mời tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Để hiểu rõ hơn về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại buổi Hội nghị, lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã phổ biến về mục đích, ý nghĩa và nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam.

Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật: Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật là một tất yếu khách quan. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật là một trong những hình thức, biện pháp, là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.

Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Ngày Pháp luật không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật thực hiện khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".

Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Ngoài ra, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã lựa chọn một số các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hàng hải mà đơn vị đang quản lý để tuyên truyền, phổ biến, phát ấn phẩm đến các doanh nghiệp khai thác cảng, Chủ tàu/Thuyền trưởng các tàu hoạt động tại khu vực nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Hội nghị đã tập trung lắng nghe, tham gia phát biểu và thảo luận trao đổi các nội dung nhằm làm rõ các quy định trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như nhằm mục đích nâng cao kỹ năng, hiểu biết trong quá trình quản lý của doanh nghiệp, điều khiển phương tiện tàu biển của người điều khiển khi tham gia giao thông trên tuyến luồng hàng hải và hành trình trên biển đảm bảo an toàn.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải - hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động thực thi công vụ; phát hiện và nhân rộng các mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật và năng lực áp dụng pháp luật gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của từng cá nhân, tổ chức.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)