Thứ ba, ngày 28/01/2025

Tiền Giang: Tích cực hỗ trợ các hợp tác xã vận tải phát triển

Thứ ba, 13/12/2022 16:03 GMT+7

Các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều HTX vận tải gặp một số khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để giúp các HTX vận tải phát triển, các ngành chức năng đang tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ.

HTX Rạch Gầm là đơn vị vận tải điển hình toàn quốc

Theo Sở GTVT Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 HTX vận tải (31 HTX vận tải đường bộ và 01 HTX vận tải đường thủy). Thời gian qua, các HTX đã có nhiều cố gắng trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Doanh thu bình quân của HTX dự kiến năm 2022 đạt 18,8 tỷ đồng (tăng 17,65% so với cùng kỳ năm 2021). Lợi nhuận bình quân ước đạt 269 triệu đồng (tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021). Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên khoảng 69,3 triệu đồng/người/năm. Các HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả, điển hình như HTX Rạch Gầm. Đây là một trong những HTX vận tải lâu đời, điển hình toàn quốc, nổi bật với quy mô sản xuất, kinh doanh lớn. Doanh thu bình quân gần 300 tỷ đồng/năm. Các cơ sở của HTX đều hoạt động có hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. HTX Vận tải Tân Phước (huyện Tân Phước) doanh thu trung bình khoảng 47,2 tỷ đồng năm, lợi nhuận trung bình 4,3 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, giá cả xăng, dầu biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX vận tải. Một số tuyến vận tải hành khách cố định phải ngưng hoạt động. Xe buýt giảm tần suất chạy xe, bán bớt phương tiện do kinh doanh không hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, các HTX kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu, dẫn đến phương tiện vận chuyển hàng hóa bị ứ động tại các cửa khẩu, chi phí phát sinh tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến kinh doanh vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do nguồn hàng bị hạn chế, nhiều phương tiện phải đỗ bãi chờ hàng.

Ngoài những khó khăn trên, hiện một số HTX chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, chủ yếu vận tải trong nước, chưa mở rộng thị trường đi nước ngoài. Các HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật còn hạn chế; thiếu sự liên kết giữa các HTX nên tính cạnh tranh chưa cao, thiếu định hướng phát triển. Mặt khác, các HTX chưa nghiên cứu mở rộng ngành nghề kinh doanh, chủ yếu làm dịch vụ vận tải đường bộ. Đội ngũ quản lý HTX vừa thiếu, vừa yếu về năng lực chuyên môn quản lý, kinh doanh nên chưa đáp ứng được yêu cầu kinh tế thị trường. Phần lớn các HTX vận tải làm dịch vụ cho thành viên nên chưa mạnh dạn trong việc vay vốn để hỗ trợ thành viên đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng vận tải. Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, đầu năm 2022 đến nay, có 02 HTX ngưng hoạt động kinh doanh vận tải và giải thể.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, để tháo gỡ khó khăn cho các HTX vận tải, trong thời gian tới, ngành Giao thông cùng các ngành liên quan sẽ đồng hành thực hiện một số giải pháp. Trước hết là tiếp tục tuyên truyền những kinh nghiệm và cách làm hay của các HTX vận tải hoạt động hiệu quả đến các HTX mới thành lập và những HTX còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh để học tập kinh nghiệm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác để mở rộng phạm vi hoạt động, sản xuất, kinh doanh, thị trường. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các HTX mới thành lập trong việc đăng ký kinh doanh vận tải. Đặc biệt là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ứng dụng khoa học - công nghệ, kế toán, nghiệp vụ quản lý vận tải cho người điều hành vận tải, tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho toàn bộ người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe... Bên cạnh đó, để giúp các HTX tháo gỡ khó khăn, các đơn vị có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX được thuê đất để xây dựng văn phòng, bến bãi phục vụ cho hoạt động kinh doanh vận tải; tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư đổi mới phương tiện, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các HTX để kịp thời giải quyết những khó khăn, kiến nghị, đề xuất nhằm giúp cho HTX phát triển ổn định, bền vững.

Để phát triển bền vững, hiệu quả, bản thân các HTX vận tải cần phải có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế. Với sự phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các HTX phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trong đó, các HTX phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành để mang lại hiệu quả bền vững; tiếp cận, học hỏi và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường vận tải. Các HTX vận tải phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất - kinh doanh phù hợp với thực tế. Đồng thời, chủ động hoặc phối hợp với tổ chức, các trường đào tạo để cử cán bộ học tập nâng cao trình độ; có cơ chế thu hút cán bộ trẻ về làm việc lâu dài cho HTX. Trong quá trình hoạt động, các HTX vận tải cần xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để triển khai thực hiện.

Nguồn: Cổng TTĐT Tiền Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)