Thứ năm, ngày 23/01/2025

Hòa Bình: Quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT

Thứ hai, 19/12/2022 08:57 GMT+7

Dù lực lượng chức năng và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện các giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp. Tính từ trung tuần tháng 12/2021 đến trung tuần tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 67 vụ TNGT, làm chết 51 người, bị thương 52 người, so với cùng kỳ tăng 4 vụ, tăng 5 người chết và 7 người bị thương.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn TP Hòa Bình. 

Nguyên nhân TNGT do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định về ATGT như: Lạm dụng rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường. Nam giới gây ra TNGT chiếm 89,39%; độ tuổi gây TNGT nhiều nhất từ 27 - 55 tuổi; thời gian gây tai nạn chủ yếu từ 12 - 18h và từ 18 - 24h chiếm 32,84%; phương tiện xảy ra tai nạn nhiều nhất là mô tô, chiếm 53,73% số vụ. Lực lượng chức năng và chính quyền các huyện, thành phố đã tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT, nhưng lực lượng mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một số người dân chưa cao, chỉ chấp hành khi có lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Công tác xử lý và giải tỏa hành lang ATGT chưa được triệt để, vẫn còn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ để kinh doanh, họp chợ, gây cản trở, mất ATGT.

Một số doanh nghiệp vận tải còn buông lỏng quản lý, năng lực điều hành kém, chưa quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT, một số lái xe thiếu ý thức về đạo đức nghề nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật về ATGT. Tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép đã giảm nhưng vẫn còn phương tiện trốn tránh, có thái độ không hợp tác với lực lượng chức năng…

Để triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT tháng cuối năm và năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu: Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Bí thư, Chính phủ; Chỉ thị số 09 của Tỉnh ủy, các kế hoạch của UBND tỉnh về bảo đảm TTATGT. Theo đó, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về ATGT đường bộ, đường thủy nội địa. Trọng tâm là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh vi phạm các quy định về TTATGT như: Đi mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, đua xe, vượt đèn đỏ, đi xe máy không bật đèn buổi tối...

Tiếp tục rà soát, khảo sát, xoá các điểm đen về TNGT, tập trung trên tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh. Xây dựng, lắp đặt các màn hình led, pano, camera giao thông, đèn cảnh báo nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường thủy nội địa. Quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ.

Thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội trong dịp lễ, Tết, trọng tâm là Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2023. Huy động tối đa lực lượng chức năng từ tỉnh xuống cơ sở tuần tra, xử lý vi phạm về TTATGT, vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường; vượt sai quy định, sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép; chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định; xe chở quá tải, quá khổ.

Tập trung xử lý nghiêm phương tiện chở khách trên các tuyến đường dài liên tỉnh với các hành vi chở quá số người quy định, quá thời gian lái xe liên tục trên đường Hồ Chí Minh, QL 6, 12B. Mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát đối với hoạt động phương tiện thủy nội địa, tàu chở khách trên tuyến sông Đà, kiên quyết đình chỉ phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn...

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)