Ngày 04/11/2009, Bộ GTVT đã có văn bản số 7716/BGTVT-ATGT gửi Đại biểu Quốc hội Trương Quang Hai; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận; Vụ Công tác đại biểu - Văn phòng Quốc hội; Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Quang Hai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, với nội dung như sau:
“Ý kiến cử tri một số nơi cho rằng: Việc đầu tư dải phân cách mềm (bằng cọc nhựa dẻo) dọc tuyến Quốc lộ 1A ở các tỉnh phía Nam không hiệu quả vì sau một thời gian ngắn đầu tư đã bị các phương tiện vận tải lớn va chạm làm hư hỏng rất nhiều, không còn nguyên hình dạng của dải phân cách ban đầu.
Xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm này thuộc về ai? Ý kiến của Bộ trưởng về việc này thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết, để đại biểu phản ánh lại với cử tri.
Kính mong Bộ trưởng quan tâm.”
Về các nội dung này, Bộ Giao thông vận tải xin được trả lời như sau:
Trong thời gian vừa qua, trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai) đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các phương tiện đi ngược chiều đâm trực diện vào nhau, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; một trong những nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định. Trước tình hình tai nạn nêu trên và theo đề nghị của Ban An toàn giao thông các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã giao cơ quan quản lý đường bộ nghiên cứu triển khai lắp đặt thí điểm dải phân cách mềm ở giữa bằng trụ nhựa dẻo cộng với sơn vạch kẻ đường tại những vị trí đường cong nguy hiểm (có bề rộng mặt đường chỉ đủ cho hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ) để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt. Sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng, tại các vị trí nêu trên hầu như không còn xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do phương tiện đi ngược chiều đâm trực diện vào nhau. Báo cáo của đơn vị quản lý đường bộ cũng như phản ánh của Ban An toàn giao thông các địa phương đều đánh giá cao hiệu quả của giải pháp này.
Tuy nhiên, do phát hiện đặc tính của trụ nhựa dẻo gần như không gây hư hại cho phương tiện, nên gần đây xuất hiện tình trạng một số người điều khiển xe ô tô tải (nhất là xe ô tô tải lớn) thiếu ý thức đã cố tình điều khiển xe đè lên trụ nhựa dẻo để đi lấn sang phần đường ngược chiều, gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông và làm hư hỏng các trụ nhựa dẻo; đây là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm.
Để bảo đảm an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, lau chùi khói bụi, đất cát bám vào lớp màng phản quang của trụ nhựa dẻo, thay thế các trụ bị đứt gãy tại những đoạn đã lắp đặt; ngoài ra, để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tối đa hiện tượng người điều khiển xe ô tô tải cố tình điều khiển xe đè lên trụ nhựa dẻo, đi lấn sang phần đường ngược chiều, rất cần phải có sự phối hợp của lực lượng chức năng tại địa phương trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm này.
Bộ Giao thông vận tải xin trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của Quý Đại biểu đối với ngành giao thông vận tải./.
ĐTH