Thứ bảy, ngày 25/01/2025

Thái Bình: Giao thông kết nối, tạo đột phá phát triển

Thứ sáu, 01/03/2024 15:24 GMT+7

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều công trình giao thông đã, đang và sẽ được đầu tư xây dựng để tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng giao thương, hợp tác phát triển.

Thi công tuyến đường bộ ven biển, địa phận huyện Tiền Hải.

Giao thông tạo cú hích cho phát triển

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong ba đột phá phát triển then chốt của tỉnh là “tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh”. 

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sau nhiều năm được đầu tư theo hướng làm “khâu đột phá” để thu hút đầu tư, ngành giao thông vận tải Thái Bình đã và đang phát triển theo đúng sứ mệnh của mình. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường; công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được ngành sát sao trong chỉ đạo từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng công trình. Công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực ngành quản lý được quan tâm, tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện đầu tư.

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng mới để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển giao thương, hợp tác làm ăn. Thái Bình giờ đây không còn là ốc đảo với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển bởi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Có được kết quả đó chính là khâu định hướng “đi trước một bước” được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách cho ngành giao thông vận tải trong xây dựng hạ tầng giao thông kết nối.

Tạo đột phá với các mục tiêu trọng điểm

Theo Quy hoạch tỉnh, hệ thống đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính của Thái Bình trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vì vậy cần đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường bộ để nâng cao năng lực khai thác, rút ngắn thời gian tiếp cận đến các đầu mối giao thông lớn của tỉnh, của vùng và của quốc gia; tập trung phát triển mạng lưới đường bộ đầy đủ các cấp đường dựa trên 2 hướng kết nối chính: Kết nối với Vùng thủ đô Hà Nội (thông qua ĐT.454, QL.39, QL.39B, CT.16 và CT.39) và kết nối với Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) và Vùng duyên hải Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (thông qua ĐT.467, QL.10, QL.37, đường ven biển Thái Bình và đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng).

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục chính kết nối với các tỉnh lân cận. Theo đó, trên địa bàn tỉnh trong tương lai hình thành 3 tuyến cao tốc là Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến cao tốc CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế ven biển - thành phố Thái Bình với vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô và các vùng kinh tế miền Trung, miền Nam.

Trong đó, dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bằng phương thức đối tác công tư cuối năm 2023. Dự án phấn đấu khởi công vào cuối năm 2024 và được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó đoạn qua tỉnh có chiều dài hơn 33km, đi qua 10 xã của huyện Kiến Xương và 9 xã của huyện Thái Thụy. Để sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án, tỉnh Thái Bình đặt quyết tâm, nỗ lực cao nhất để dự án sớm được triển khai cũng như hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Xác định tầm quan trọng đặc biệt của tuyến đường này nên chính quyền các địa phương đã tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai dự án; chỉ đạo cơ sở chuẩn bị tốt nhất các hệ điều kiện cũng như sẵn sàng công tác giải phóng mặt bằng khi dự án triển khai trên thực địa. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, sẵn sàng các phương án giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Ngoài ra, theo thuyết minh Quy hoạch tỉnh, sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế ven biển, các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ logistics ven biển, Thái Bình sẽ có sân bay, hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, an ninh, quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới biển của tỉnh. Cụm cảng hàng không ở Thái Bình gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ ven biển. Một điểm đáng chú ý khác, hiện tại Thái Bình hoàn toàn không có tuyến đường sắt nào chạy qua. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự kiến tỉnh sẽ có 101km đường sắt. Cụ thể: Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh thuộc tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37km).

Với những đột phá phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và những định hướng, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, tin rằng Thái Bình sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ. Đây chính là động lực để tỉnh ngày càng vươn cao, sớm trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng./.

Nguồn: Báo Thái Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)