Thứ năm, ngày 23/01/2025

Tuyên Quang: Khởi sắc hạ tầng giao thông kết nối vùng, miền

Thứ sáu, 10/05/2024 14:10 GMT+7

Chạy trên những cung đường ở các huyện vùng cao Tuyên Quang, cảm nhận rõ nhất là sự chuyển mình, đổi thay đến không ngờ. Mươi năm trước, nhiều con đường hãy còn gồ ghề sỏi đá, mà nay đã phẳng lỳ bê tông sạch đẹp. Những con đường ấy, là sự chung tay nhà nước và nhân dân cùng làm, đem ấm no cho bà con dân bản.

Từ sự chung tay của bà con

Đầu năm 2023, huyện Na Hang còn 2 thôn chưa có đường bê tông vào thôn là thôn Trung Phìn, xã Sinh Long và thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh. Do các thôn này nằm xa trung tâm xã, để làm đường lên thôn cần kinh phí lớn. Cùng với đó là nhận thức của một số người dân chưa cao nên việc bê tông hóa các tuyến đường gặp nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn di dân tái định cư và lồng ghép các nguồn vốn khác, Na Hang đã tiến hành mở tuyến, bê tông hóa tuyến đường này.

Đồng chí Bàn Doãn Quân, Bí thư chi bộ Tát Kẻ cho biết, thôn có 32 hộ, dân tộc Tày chiếm 80%. Tuyến đường từ xã vào thôn được mở rộng lên 5 m, phải thu hồi hơn 8.000 m2 đất sản xuất của người dân. Một số hộ do nhận thức chưa cao, không đồng tình hiến đất làm đường. Vì thế việc làm đường ở Tát Kẻ gặp nhiều khó khăn.

 “Có người nghe ngay, có người lăn tăn bởi cả trăm mét đất cho không cũng tiếc. Sau khi nhiều lần tổ chức họp thôn, tuyên truyền về lợi ích khi có con đường bê tông mới. Bà con hiểu, từng người chủ động hiến cả vài trăm mét đất” -  ông Quân nói.

Người dân xã Thanh Tương (Na Hang) góp công sức làm đường giao thông

Trong thời gian ngắn, hơn 12 km đường bê tông thôn Tát Kẻ đã được hoàn thành. Những con đường dẫn lên tận núi cao nơi có rừng cây, vườn quả xanh trái chờ ngày thương lái đưa xe ô tô đến tận nơi thu mua. Cuộc sống ấm no thêm nhiều hứa hẹn.

Con đường Nà Cọn - Búng Xeng thuộc xã Thổ Bình (Lâm Bình) trước chỉ rộng 2 m. Khi có chủ trương mở rộng đường bà con Bản Pước, Nà Cọn đã đồng tâm dỡ bỏ tường rào, chặt cây cối, nhường đất. 

Một trong những người đi đầu tự nguyện hiến tài sản mở đường là ông Ma Ngọc Trưởng, thôn Nà Cọn. Ông Trưởng cho biết, làm đường giao thông chính là để phục vụ gia đình mình và người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn. Vì thế, khi có chủ trương, ông đã đồng thuận ngay. Gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất trồng cây lâu năm, phá bỏ 2 chuồng lợn, trâu đã xây kiên cố.

Không chỉ gia đình ông Trưởng, 35 hộ dân ở thôn Nà Cọn, Bản Pước cũng hy sinh lợi ích, tài sản của mình để bản, làng có con đường đẹp. Để làm con đường Nà Cọn - Búng Xeng, người dân đã hiến gần 5.000 m2 đất ở và phá bỏ hàng nghìn cây ăn quả, cây lâu năm. Con đường mới đang mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho xã vùng cao Lâm Bình.

... đến sự đổi thay bản làng

Những năm gần đây, sự đổi thay rõ nét nhất ở các huyện vùng cao là sự vươn xa của những cung đường. Sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông đã mở ra những đổi mới về kinh tế - xã hội. Ở các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa… hầu hết các xã đã có đường nhựa vào tận xã. Hệ thống giao thông nối đến trung tâm các bản, làng cũng được “phủ kín” bằng các trục đường bê tông chắc chắn.

Năm 2023, những con đường nội thôn dài hơn 500 m ở thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) gồ ghề và lầy lội, đã được khoác áo mới từ nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, từ sự đồng thuận hiến đất, quyết tâm của bà con dân bản.

Tuyến đường Nà Cọn - Búng Xeng, xã Thổ Bình (Lâm Bình)
được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện

Trưởng thôn Ngầu 1 Ma Hồng Cúc không giấu được vui mừng khi nói về vai trò của con đường: Có đường bà con trồng lúa, rừng, chăn nuôi lợn, gà, vận chuyển xuống trung tâm xã bán thuận tiện lắm. Có đường mới, bà con có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng nông thôn mới nâng cao, ấm no, hạnh phúc.

Thôn Bản Bung là vùng đặc biệt khó khăn của xã Thanh Tương (Na Hang). Trước đây, do khó khăn về giao thông nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp. Đi trên con đường bê tông mới mở, ông Triệu Thế Hải, thôn Bản Bung phấn khởi nói: Đây là con đường độc đạo từ thị trấn dẫn vào bản, nhờ có con đường này mà du khách biết đến Bản Bung. Bản Bung trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đến Na Hang. Người dân có thêm thu nhập từ làm du lịch, đời sống đồng bào cũng được cải thiện.

Điểm trường Bản Bung có 5 học sinh tiểu học, 20 học sinh mầm non, chủ yếu là con em đồng bào Dao, niềm vui có đường mới cũng hiện rõ trên từng gương mặt cô, trò. Trước đây các em đến lớp gặp rất nhiều khó khăn, mùa mưa tỉ lệ các em phải nghỉ học nhiều, các cô phải đến từng nhà để vận động. Cô giáo Vi Thị Tươi, giáo viên trường PTDT bán trú TH&THCS Thanh Tương vui mừng cho biết, năm 2021, Bản Bung được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Có điện, các thầy cô ở điểm trường cũng dễ dàng tiếp cận với những thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học. Vui hơn khi con đường bê tông nội bản được đầu tư dẫn đến tận điểm trường, giúp học sinh đến lớp thuận lợi hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương Phạm Tiến Sỹ bộc bạch: Tận dụng mọi nguồn lực và vận động nhân dân tham gia, từ năm 2023 đến nay, xã đã thực hiện được gần 700 m đường giao thông nông thôn lên các thôn Nà Coóc, Bản Bung, Nà Làng, Nà Mạ, Đon Tâu, Cổ Yểng. Trong đó, nhân dân các thôn đã hiến trên 1.000 m2 đất, đóng góp trên 500 triệu đồng và hàng trăm ngày công.  Năm 2024, xã tiếp tục đăng ký làm hơn 70 m đường giao thông nông thôn vào Bản Bung. Hiện xã đang tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con tham gia hiến đất, góp sức mở đường. Từ đó, mở ra cơ hội để các địa phương thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo Báo Tuyên Quang online

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)