Thứ tư, ngày 22/01/2025

Thừa Thiên Huế: Nâng cấp hạ tầng cầu cảng Thuận An

Thứ sáu, 31/05/2024 10:15 GMT+7

Ngoài đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong cảng nhằm giảm thiểu ô nhiễm khi vận chuyển than, các dự án chỉnh trị cửa biển triển khai hiệu quả đã làm độ sâu và hướng tuyến luồng cầu cảng Thuận An ngày càng ổn định hơn.

Xe bồn thường xuyên tưới nước giảm bụi trên tuyến đường nội thị cảng Thuận An 

Giảm thiểu ô nhiễm

Những ngày qua, việc tiếp nhận và vận chuyển than tại cầu cảng Thuận An (TP. Huế) do Công ty CP Cảng Thuận An quản lý đã có những bất cập trong công tác môi trường trong khu vực và một số tuyến đường nội thị của phường Thuận An.

Cụ thể, trên đoạn đường từ cảng Thuận An (dọc tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết) đến cầu Diên Trường (dọc tuyến đường Kinh Dương Vương) thuộc phường Thuận An, nhiều phương tiện xe chở than tải trọng lớn ra vào cảng, chạy liên tục trên các tuyến giao thông khiến bụi và than rơi vãi trên đường gây ô nhiễm.

Trước sự phản ánh của người dân, mới đây Chi cục Bảo vệ môi tường (Sở TN&MT), Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương có buổi làm việc với Công ty CP Cảng Thuận An và yêu cầu triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An cho biết, trước đây việc tiếp nhận than từ Lào về là loại mặt hàng mới, nhưng hạ tầng tại cảng chưa đồng bộ nên vấn đề bảo về bảo vệ môi trường chưa đảm bảo, nhất là khâu xử lý bụi phát tán ra khu vực xung quanh.

Từ đầu năm đến nay cảng Thuận An tiếp nhận và trung chuyển khoảng 83 nghìn tấn than cám từ Lào về (trong tổng số 160 nghìn tấn hàng thông qua cảng). Dự kiến đến hết năm 2024 khoảng 140-150 nghìn tấn.

Đứng trước tình hình đó, công ty đã triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường trong và khu vực các tuyến đường ngoài cảng, như đầu tư hệ thống xịt rửa cao áp để xịt rửa phương tiện chuyên chở than trên bộ trước khi ra khỏi khu vực cảng. Che chắn, làm hàng rào lưới chống bụi bãi tập kết và cải tạo hệ thống thoát nước mặt. Thực hiện vệ sinh nội bộ cảng thường xuyên. Phối hợp với chủ hàng, chủ xe yêu cầu phương tiện chở than di chuyển trên đường đảm bảo tải trọng, hạn chế tình trạng rơi vãi và chạy đúng tốc độ cho phép.

Về lâu dài, công ty có kế hoạch đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong cảng, phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn nhằm đảm bảo tiềm lực tài chính phù hợp.

Ngoài ra, công ty đã bố trí 1 xe quét vệ sinh đường tự động để vệ sinh các tuyến đường nội bộ vào thời gian sau 22 giờ hằng ngày, đồng thời đã bố trí xe tưới tạo ẩm các tuyến đường nội bộ trong khuôn viên cảng và tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết nhằm giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển của các phương tiện ra vào cảng nhập, xuất nguyên liệu.

Chỉnh trị, nạo vét luồng tuyến

Nằm ở vị trí khá thuận lợi, cách trung tâm thành phố khoảng 15km, cách Khu công nghiệp Phú Bài (TX. Hương Thủy) chừng 25km và có Quốc lộ 49 chạy qua, hệ thống cầu cảng Thuận An theo thiết kế tiếp nhận được tàu đến 3.200 tấn.

Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An cho biết, nếu thời gian trước đây luồng vào cảng luôn bị bồi lấp, thường xuyên ở ngưỡng 3m chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ hàng và chủ tàu là nguyên nhân hạn chế lượng hàng thông qua cảng, thì nay luồng cảng đã ổn định hơn khi tiến hành nạo vét và triển khai các dự án chỉnh trị cửa biển. Do tính phức tạp của luồng Thuận An thường xuyên biến động, bồi lấp, thay đổi hướng tuyến nên giải pháp căn cơ là tiến hành đầu tư đê kè chỉnh trị luồng.

Cụ thể, do luồng bị bồi lắng, hạn chế độ sâu nên cảng Thuận An chỉ đáp ứng những tàu tải trọng dưới 1.500 tấn. Những năm gần đây, cùng với các dự án chỉnh trị cửa biển, nạo vét luồng tuyến phát huy hiệu quả, đã làm độ sâu và hướng tuyến luồng cảng Thuận An ngày càng ổn định hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các tàu hàng tải trọng lớn. 

Để nâng cao năng lực tiếp nhận phương tiện thủy, bốc dỡ hàng hóa tại cảng, công ty đã có kế hoạch nạo vét luồng đạt độ sâu phù hợp cho các tàu có tải trọng đến 3.000 tấn ra vào. Hàng năm, từ nguồn vốn sự nghiệp duy tu luồng lạch thường xuyên, Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch nạo vét luồng Thuận An với cốt luồng sau nạo vét đạt 4,5m.

Từ năm 2018, UBND tỉnh bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của Dự án kè chống sạt lỡ và chỉnh trị luồng Thuận An. Đến 2021, khi phân kỳ 2 của giai đoạn 2 đối với mũi kè phía Nam hoàn thành (tổng chiều dài gần 250m đê kè), độ sâu và hướng tuyến luồng Thuận An ngày càng ổn định hơn. Tuyến đê đã giúp chỉnh trị của biển, giảm sự bồi lấp cho luồng tuyến cảng Thuận An.

Hiện nay, phân kỳ 3 của Dự án kè chống sạt lỡ và chỉnh trị luồng Thuận An triển khai sắp hoàn thành với khoảng 150m đê kè được xây dựng tiếp nối mũi kè phía Nam. Trong thời gian tới, độ sâu và hướng tuyến luồng Thuận An sẽ ngày càng tiếp tục ổn định hơn nữa.

Qua đó, tránh tình trạng bồi lấp, làm gia tăng khả năng tiếp nhận tàu và hàng hóa đối với cảng Thuận An cũng như tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong trong khu vực ra vào cửa hoạt động đánh bắt, thu mua và chế biến thủy hải sản.

Công ty cũng sẵn sàng các phương án đầu tư từ công cụ thiết bị đến hạ tầng bến cảng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu xếp dỡ các phương tiện tàu hàng lớn hơn (trên 3.000 tấn), khi luồng ra vào cảng ổn định ở độ sâu phù hợp.

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam có buổi làm việc với tỉnh về công tác quản lý hạ tầng, vận tải, quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển. UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Thuận An theo tiến độ đã được phê duyệt./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)