"Chia lửa" cho Quốc lộ 1A, mở ra tiềm năng cho ĐBSCL
Đặc thù công việc phải di chuyển thường xuyên giữa miền Tây và TP HCM nhưng với anh Trần Thanh Khôi - một bác tài đã nhiều năm chạy xe dịch vụ, giờ đây, đã đỡ phần áp lực khi hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp; các công trình cầu, đường cao tốc đưa vào sử dụng thật sự đã “chia lửa” hiệu quả với tuyến Quốc lộ 1A.
Anh Trần Thanh Khôi chia sẻ: "Tết ai nghỉ thì nghỉ chứ tài xế thì chạy liên tục, người ta về quê rồi đi du lịch nhiều lắm. Bởi vậy có tuyến cao tốc nối liền từ Thành phố về Cần Thơ, cánh tài xế chạy khỏe hơn nhiều"
Công trình Cầu Rạch Miễu 2 đang tăng tốc. (Ảnh minh hoạ: VOV.VN)
Để phát huy nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này, thời gian qua Chính phủ đã thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đầu tư cho hạ tầng giao thông của Vùng.
Nếu vào khoảng cuối năm 2020, toàn Vùng chỉ có hơn 40 km đường bộ cao tốc trên tổng số gần 1.200 km của cả nước, thì đến nay, Vùng đã có 120 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; mục tiêu đến sau năm 2025, toàn Vùng sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc; đến năm 2030 là 763km.
Nhận định về vai trò của các tuyến đường bộ cao tốc giúp kết nối nội vùng và liên vùng, TS. Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội TP Cần Thơ tin tưởng những tiềm năng, cơ hội mới đang rộng mở cho vùng đất này:
"Trong nhiệm kỳ này thì Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, đã dành những nguồn ngân sách để phân bổ cho các tuyến đường cao tốc. Tôi tin tưởng rằng sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc là luân chuyển hàng hóa, giúp cho việc thu hoạch, sản xuất, lưu thông hàng hóa nhanh hơn. Và việc đầu tư hạ tầng như vậy sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế của địa phương, của các vùng, giúp cho việc phát triển logistics cũng có điều kiện để phát triển theo"
Tại công trường thi công đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, những ngày đầu năm, các kỹ sư, công nhân tập trung toàn lực cho phần việc của mình. Sau 2 năm thi công, đến nay, Dự án đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng trên tuyến chính và cơ bản hoàn thành 28km tuyến nối, chỉ còn khoảng 200m trên địa bàn TP Cần Thơ đang được xử lý.
Theo Trung tá Vũ Hồng Quân - Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn Nam, tập thể đơn vị đang nỗ lực để có thể hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025: "Trên dưới một lòng để hoàn thành tốt nhất. Trên công trường phân ra 3 ca 4 kíp hoạt động liên tục, không để công trường ngừng nghỉ lúc nào, kể cả lễ, Tết. Sang năm mới thì công trường vẫn triển khai bình thường"
Tương tự, tại công trình trọng điểm quốc gia - Cầu Rạch Miễu 2, chiếc cầu bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, không khí làm việc vẫn rất nhộn nhịp, hăng say. Trên công trường, đội ngũ công nhân triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, hưởng ứng đợt phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” của Thủ tướng Chính phủ:
"Hiện tiến độ của dự án đạt trên 75%, đang đáp ứng được tiến theo yêu cầu. Trong đó phần đường thi đã dỡ tải và đã lên cấp đối đá và đang lên lớp nhựa bê tông đầu tiên và đang tiếp tục lên những lớp bê tông nhựa của những đoạn tuyến từ phía địa phận của Bến Tre về cuối tuyến"
"Làm ngày làm đêm luôn đó. Tôi ở sát bên, thấy mấy anh em của công trường này làm 3 ca 4 kíp gì đó, làm tới khuya, 1h - 2h vẫn còn làm. Cây cầu này làm xong thấy rất phấn khởi"
Hạ tầng giao thông được nâng cấp sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ. Không nằm ngoài bức tranh kinh tế, xã hội toàn Vùng, năm vừa qua, du lịch ĐBSCL cũng đạt được “quả ngọt” nhờ sự kết nối thuận tiện của hệ thống giao thông khi thu hút trên 52 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ du lịch của các địa phương ước đạt hơn 62 ngàn tỷ đồng.
Du lịch xanh và kỳ vọng vào hạ tầng giao thông hoàn thiện
Không dừng lại ở những con số, trải nghiệm của du khách cũng dần được nâng chất khi chuyển đổi xanh trong du lịch trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều địa phương như Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cách Vườn Quốc gia Tràm Chim khoảng 1km, Việt Mekong Farmstay - một nông trại nghỉ dưỡng thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã nhận được nhiều cảm tình của du khách trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Văn Sơn, một du khách đã vượt hơn 140km từ TP. HCM để về với Việt Mekong Farmstay, chia sẻ: "Đến đây, anh rất bất ngờ. Ở đây, anh được trải nghiệm thứ nhất là đi hái bông súng, lần đầu tiên anh được hái bông súng luôn. Thứ hai nữa là được đi trải nghiệm hái ngó sen. Những sản phẩm đó mình đưa lên để nấu, sau đó mình ăn, và mình cảm giác là rất tươi; được tự tay mình làm thì thật sự rất thú vị".
Bên cạnh sự tiếp đãi nồng hậu, hào sảng của gia chủ, tại đây, anh Sơn cùng những người bạn của mình còn được đón bình minh với tiếng chim ríu rít bên tai, ngắm ánh nắng chiều tà giữa đồng sen yên bình, mát mẻ.
Là một người con của vùng đất Sen Hồng, chị Hồ Ngọc Trâm - CEO của Việt Mekong Farmstay rất tâm huyết với những sản phẩm du lịch của mình: "Tụi em làm một mô hình như một miền Tây thu nhỏ, du khách có thể đến một không gian yên bình, sinh thái tách biệt hoàn toàn với phố thị. Khi đến đây khách có thể trải nghiệm theo mùa.
Các bé từ thành phố về có thể cưỡi trâu, tát ao bắt cá, nhặt trứng vịt, chơi với những động vật thân thiện. Các du khách quốc tế có thể tìm hiểu về giá trị văn hóa của bà con nông dân ở đây làm nông nghiệp, trồng sen và nuôi trồng một cách rất thuận tự nhiên".
Thuận tự nhiên - đó chính là một trong những giá trị cốt lõi của Việt Mekong Farmstay. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trải nghiệm, nông trại du lịch này còn muốn lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc một thời khẩn hoang của người dân Đồng Tháp Mười.
Đứng cạnh chú trâu đang gặm cỏ - một hình ảnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam, và nay là nhân vật góp phần tạo nên điểm nhấn cho Việt Mekong Farmstay, anh Nguyễn Trọng Minh - chủ nông trại, nhiệt tình chia sẻ về những giá trị mà gia đình anh muốn lan tỏa:
"Điểm nhấn mà mình muốn chia sẻ với du khách quốc tế là du lịch - giá trị cơ bản đó là hướng về giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. ĐBSCL là nơi mà người Việt đến khai hoang. Ở đâu người ta đến, người ta mang theo giá trị văn hóa đó trong suốt hành trình khởi nghiệp của mình. Thứ hai, Mekong muốn du khách hiểu được văn hóa mà mình khai hoang ở đây là sử dụng hệ sinh thái trong giá trị thuận tự nhiên. Chính giá trị tự nhiên đó, ông bà mình đã sống và tạo ra những yếu tố mới mẻ và hiện đại".
Việt Mekong Farmstay là một minh chứng cho thấy ĐBSCL còn rất nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt khi du lịch xanh, du lịch bền vững đang được quan tâm và là xu hướng trong tương lai. Để “ngành công nghiệp không khói” này tiếp tục bứt phá, bên cạnh sức sáng tạo, sự nỗ lực bền bỉ, các tổ chức, cá nhân làm du lịch đang kỳ vọng rất nhiều vào “đòn bẫy” hạ tầng giao thông:
"Trong thời gian tới, nếu theo những đề án của Chính phủ, với các tuyến đường cao tốc và mọi thứ, việc di chuyển về đây sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đường từ TP. HCM về đây chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng, đó là một lựa chọn rất tốt"
"Khi giao thông được đầu tư để kết nối các điểm du lịch như chúng tôi, tôi nghĩ rằng ai làm du lịch cũng rất hứng khởi, và chúng tôi muốn phát triển sản phẩm của mình với chất lượng tốt hơn. Khi thời gian di chuyển của du khách giảm, họ sẽ có nhiều thời gian hơn, cảm thấy khỏe hơn, hứng thú hơn và trải nghiệm nhiều hơn"
Xác định được ưu thế khi là có vị trí liền kề với TP HCM - đô thị sôi động nhất cả nước. Nhiều năm qua Vùng đã hoạch định chiến lược kết nối hiệu quả với “đầu tàu kinh tế” này để mở ra cơ hội giao thương, phát triển cho du lịch và nhiều lĩnh vực khác, mà đi đầu là lĩnh vực giao thông vận tải. Với quyết tâm này, ĐBSCL và TP HCM thống nhất thời gian tới sẽ hoàn thiện ít nhất 6 dự án giao thông vận chuyển hàng hóa và hành khách, gồm: Mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; mở rộng Quốc lộ 1A; mở rộng Quốc lộ 50B; triển khai tuyến đường ven biển và đường biên giới; cùng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện pháp lý Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ; và triển khai tuyến mẫu thủy nội địa Cần Thơ - Cái Mép - Cát Lái.
Có thể nói, hoàn thiện hệ thống giao thông, tăng tính kết nối liên vùng đó là mong ước chung của hơn 20 triệu dân ĐBSCL. Tuy nhiên, trước những vấn đề đang tồn tại như thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… thì rất cần sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị để từng bước tháo gỡ, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Nhấn mạnh về quyết tâm hoàn thành các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: "Giai đoạn từ nay cho đến 2030, hệ thống đường bộ cao tốc của khu vực sẽ có những bước đột phá so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn thách thức, cần có quyết tâm cao, quyết liệt thực hiện, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ của nhân dân thì chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu này"
Với những chủ trương cụ thể và quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương, người dân ĐBSCL hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh tươi sáng của toàn Vùng trong tương lai. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và cả đường thủy được đầu tư đồng bộ, hiện đại, sẽ là nền tảng vững chắc để ĐBSCL phát huy tốt tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước./.