
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng phương án đầu tư xây dựng và lựa chọn đối tác đảm bảo uy tín, tin cậy để triển khai thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đảm bảo chất lượng và sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả”.
“Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa sai phạm đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
1. Về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
Thực hiện chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương án đầu tư và giải pháp tổ chức thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hiện nay, Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024.
Do đây là dự án chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với kiến nghị của cử tri cần thận trọng lựa chọn đối tác uy tín để triển khai dự án và Bộ đang chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Dự án đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
2. Về nội dung liên quan đến Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Về quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa sai phạm đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
- Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA yêu cầu các nhà thầu lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết của từng gói thầu làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tiến độ thi công thực tế; nếu tiến độ không đáp ứng phải có giải pháp xử lý kịp thời (tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, tận dụng tối đa thời gian trong ngày có điều kiện thời tiết thuận lợi để tổ chức thi công).
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc về GPMB, về vật liệu xây dựng; đề nghị các địa phương rà soát, giảm bớt các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công.
- Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng; với Bộ TNMT để hướng dẫn về thủ tục cấp phép mỏ vật liệu…
- Tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các chủ đầu tư/Ban QLDA, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, tháng; nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Ban QLDA có dự án chậm tiến độ; yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban QLDA bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng; đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.
- Cùng với việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, Bộ Giao thông vận tải xác định chất lượng công trình và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa sai phạm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng phải đề cao trách nhiệm, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và thường xuyên ban hành các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý chất lượng và sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.
- Ngoài ra, các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm ngành giao thông vận tải thuộc danh mục các công trình, dự án của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thường xuyên kiểm tra, họp kiểm điểm, tổng hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc; trong quá trình quản lý giám sát chất lượng, có các chủ thể tham gia: chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và tư vấn kiểm định độc lập, ngoài ra các dự án này đều được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng định kỳ hàng quý tổ chức kiểm tra về công tác nghiệm thu theo quy định.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.