Hải Dương: Khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi xe công nông

Thứ sáu, 07/12/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện lộ trình 1/1/2008 cấm lưu hành xe công nông, Hải Dương đang đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ chủ xe về vốn chuyển đổi phương tiện.

Thực hiện lộ trình 1/1/2008 cấm lưu hành xe công nông, Hải Dương đang đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ chủ xe về vốn chuyển đổi phương tiện.

 

Năm 2002, toàn tỉnh Hải Dương chỉ có 862 xe công nông đầu ngang thì năm 2003 đã tăng lên gần 1.800 chiếc. Trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 60 cơ sở lắp ráp, sản xuất công nông.

Cuối tháng 12/2004, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg về quản lý xe công nông, UBND tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch triển khai các giải pháp quản lý công nông như: tuyên truyền về thời hạn cấm công nông tham gia giao thông; ban hành quyết định đình chỉ các cơ sở sản xuất công nông không đủ điều kiện hoạt động và hướng dẫn các cơ sở này chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác; mở các lớp đào tạo cấp GPLX hạng A4- B1; cấm công nông hoạt động trên địa bàn đô thị, quốc lộ và các tỉnh lộ; yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm... nên số lượng công nông giảm 200- 300 chiếc, nhiều cơ sở sản xuất đã tự động đóng cửa hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác.

Tính đến hết tháng 12/2006, địa bàn tỉnh chỉ còn gần 1.200 công nông, trong đó gần 70% không có đăng ký và 100% phương tiện không thực hiện đăng kiểm định kỳ.

Mới đây, Hải Dương đã tổ chức riêng một cuộc hội thảo về quản lý phương tiện công nông có sự tham gia của tất cả các trưởng công an, cán bộ phụ trách giao thông của các xã, thị trấn trên địa bàn. Thời gian tới tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ phương tiện từ địa bàn xã, thị trấn để có thể loại bỏ phương tiện này theo đúng lộ trình mà Chính phủ giao.

Bên cạnh việc siết chặt quản lý về mặt hành chính, Hải Dương cũng khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp, kinh doanh xe tải nhẹ và ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ về vốn giúp chủ xe công nông chuyển đổi phương tiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có loại hình dịch vụ liên kết cho vay vốn mua xe tải trả góp của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, chi nhánh Hải Dương) và Công ty TNHH Đại Cường, Hợp Thành, Đông Đô. Theo đại diện của ngân hàng Sài Gòn Thương tín, người mua sẽ được vay tối đa 70% giá trị xe trong thời gian 4 năm, với lãi suất được tính ở mức ưu đãi; tài sản bảo đảm vay vốn có thể là chính chiếc xe được mua.

Hàng chục doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhẹ, với đủ các loại thương hiệu của các doanh nghiệp như Trường Hải, Cửu Long, Vinaxuki, Hoa Mai, Chiến Thắng…đều có chương trình hỗ trợ người mua xe tải nhỏ để thay thế xe công nông.

Thẩm Nguyễn

Thẩm Nguyễn - Bao GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)