Lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy ở Cà Mau

Thứ tư, 12/12/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua việc đầu tư phát triển giao thông đường thủy ở Cà Mau chưa được quan tâm đúng mức, cho nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Trong điều kiện giao thông đường bộ chậm phát triển, giao thông đường thủy ở Cà Mau trở thành hệ thống giao thông chính, chiếm hơn 70% thị phần vận chuyển khách và hàng hóa.
Trong những năm qua việc đầu tư phát triển giao thông đường thủy ở Cà Mau chưa được quan tâm đúng mức, cho nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Trong điều kiện giao thông đường bộ chậm phát triển, giao thông đường thủy ở Cà Mau trở thành hệ thống giao thông chính, chiếm hơn 70% thị phần vận chuyển khách và hàng hóa.

Tuy nhiên, trong những năm qua việc đầu tư phát triển giao thông đường thủy ở Cà Mau chưa được quan tâm đúng mức, cho nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Lộn xộn giao thông đường thủy

Qua khảo sát thực tế, hệ thống giao thông đường thủy ở Cà Mau hiện nay chưa được đầu tư quy hoạch phát triển đồng bộ, mà chủ yếu đưa vào khai thác các tuyến giao thông sẵn có. Việc phân luồng, phân tuyến và tổ chức quản lý giao thông thủy chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập xảy ra, cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 12 tuyến sông cấp 2 và 3, chiều dài 251 km do Trung ương quản lý; 13 tuyến sông chiều dài 358 km do tỉnh quản lý và 93 tuyến sông, rạch chiều dài hơn 1.000 km do huyện quản lý. Trên các tuyến sông này, tỉnh đã tổ chức 133 tuyến vận chuyển khách nội tỉnh, 23 tuyến vận chuyển khách liên tỉnh, có tổng số gần 500 phương tiện hoạt động vận chuyển khách. Trong đó, ca-nô cao tốc 121 chiếc, tàu khách 82 chiếc, vỏ tốc hành chở khách 233 chiếc.

Ngoài ra, cả tỉnh còn có gần 100 nghìn phương tiện có công suất dưới 15 CV tham gia hoạt động trên các tuyến giao thông đường thủy của tỉnh. Với số lượng phương tiện giao thông thủy "khổng lồ" như thế làm cho tình hình giao thông đường thủy ở Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, nhất là hoạt động của các phương tiện nhỏ có công suất dưới 15 CV (chủ yếu là phương tiện đi lại của từng hộ gia đình ở vùng sông nước), gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân, trong những năm qua, các phương tiện giao thông thủy ở Cà Mau phát triển khá nhanh, trong khi đó công tác quản lý phương tiện, đăng ký, đăng kiểm còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ðiều dễ nhận thấy nhất là thủ tục đăng ký, đăng kiểm rườm rà, cách tổ chức thực hiện chưa hợp lý, gây phiền hà cho chủ phương tiện.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có hai nơi để người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện là Chi cục Ðăng kiểm Cà Mau và Phòng Ðăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông - vận tải, nhưng để người dân ra đến tận nơi làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm thì rất tốn kém chi phí, còn để tạo thuận lợi cho người dân, thì cán bộ chuyên môn phải xuống các địa phương tổ chức thực hiện, nhưng do lực lượng ít, cho nên không đáp ứng được nhu cầu.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh chỉ có 4.611 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm; còn lại 94.768 phương tiện chưa thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm. Ðối với người điều khiển phương tiện, trong tổng số 97.022 người bắt buộc phải có bằng thuyền trưởng và chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện theo quy định của Luật Giao thông thủy nội địa thì chỉ có 6.290 người có bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện, còn lại 90.732 người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ lái phương tiện theo quy định.

Trên thực tế, nhiều phương tiện của gia đình có cả trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Hiện nay, số người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn và không đăng ký, đăng kiểm còn rất lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ðây là một vấn đề hết sức nan giải đặt ra đối với tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy ở Cà Mau.

Theo Ðại úy Lê Việt Hằng, Ðội trưởng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Ðầm Dơi: Hầu hết các phương tiện giao thông thủy khi lưu thông không bảo đảm các  quy định. Huyện Ðầm Dơi là  huyện có tỷ lệ phương tiện giao thông thủy chiếm khá cao với gần 21 nghìn phương tiện. Những đợt mở cao điểm ra quân lập lại trật tự ATGT thủy trên địa bàn, khi kiểm tra phương tiện thì hầu hết đều vi phạm.

Ngoài việc lập biên bản xử phạt, gắn với công tác tuyên truyền, nhắc nhở người điều khiển chấp hành các quy định theo Luật Giao thông đường thủy nhưng xem ra tình hình chưa có chuyển biến tích cực. Gần đây, qua các đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự ATGT đường thủy theo tinh thần Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, lực lượng CSGT đường thủy  phối hợp các ngành chức năng và công an các huyện, thành phố Cà Mau tiến hành tuần tra kiểm soát và xử lý 1.610 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy. Ðiều đó cho thấy ý thức của người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông chưa cao. Ðây chính là nguyên nhân  dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy ở Cà Mau hiện nay.

Giải pháp an toàn giao thông thủy

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 11 tháng  qua, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 23 người, tuy có giảm hơn cùng kỳ năm 2006, nhưng vẫn cao hơn tai nạn giao thông đường bộ. Trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông thủy còn nhiều yếu kém chưa được đầu tư quy hoạch phát triển đồng bộ, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường thủy còn khá phổ biến, thì hiểm họa về tai nạn giao thông đường thủy vẫn còn xảy ra.

Vấn đề đáng lo ngại nhất, có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự ATGT đường thủy ở Cà Mau hiện nay là tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra khá phức tạp, đã đến lúc báo động. Do đặc điểm Cà Mau là vùng sông nước, tập quán lâu đời của người dân sinh sống theo ven sông, kênh rạch vì vậy việc lấn chiếm luồng tuyến, lòng sông để làm nhà, họp chợ,  đánh bắt khai thác thủy sản bằng nhiều hình thức khác nhau xảy ra khá phổ biến.

Theo số liệu thống kê, hơn 12 tuyến sông do trung ương quản lý đã có hơn 5.000 căn nhà vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy cần phải được di dời, giải tỏa theo quy định. Quan sát thực tế, trên một số tuyến kênh tại địa bàn thành phố Cà Mau có đến hàng nghìn căn nhà được xây  cất lấn chiếm lòng sông. Còn ở các thị trấn, các ngã ba ven sông, các cụm dân cư ven biển hầu như nơi nào cũng có nhà xây cất lấn chiếm luồng, tuyến giao thông thủy.

Vấn đề bất cập ở đây là trên các tuyến sông, rạch do địa phương quản lý chưa có phân luồng, tuyến, chưa cắm mốc chỉ giới giao thông thủy, cho nên không thể thống kê được bao nhiêu căn nhà vi phạm hành lang ATGT đường thủy.

Ngoài ra, hiện nay trên các tuyến giao thông do địa phương quản lý, người dân đặt nò, đó, gió, lú... để khai thác thủy sản khá phổ biến, làm mất trật tự ATGT đường thủy rất lớn, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.

Ông Lê Hữu Triều, Giám đốc Ðoạn Quản lý giao thông thủy, bộ Cà Mau bức xúc: Trước đây việc quản lý các tuyến giao thông thủy này hầu như còn bỏ ngỏ, chỉ đến năm 2005 trở lại đây công tác này mới được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trên 13 tuyến sông do tỉnh quản lý, mỗi năm chúng tôi được cấp kinh phí trên dưới 400 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông thủy này, với số kinh phí như thế thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu, không đủ tiền để lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, nói chi đến việc đầu tư nạo vét các đoạn giao thông thủy cho đúng độ sâu, chiều rộng, khẩu độ sông để bảo đảm ATGT khi các phương tiện tham gia lưu thông.

Hiện nay, trên 13 tuyến sông do tỉnh quản lý chỉ mới lắp đặt biển báo giao thông sáu tuyến và lắp đặt 13 chốt đèn báo hiệu ở các ngã ba, ngã tư giao thông và sáu chốt đèn báo hiệu ở các cửa biển. Các tuyến còn lại chưa có kinh phí để lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông.

Ðối với hệ thống phao dẫn luồng giao thông thì tỉnh chưa đầu tư tuyến nào; riêng các tuyến giao thông do huyện quản lý thì hầu như chưa có tuyến nào được lắp đặt hệ thống biển báo giao thông. Trong khi đó, các tuyến sông do trung ương quản lý đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống biển báo tín hiệu giao thông. Chính sự đầu tư bất cập này, cho nên hầu hết những vụ tai nạn giao thông đường thủy chết người thường xảy ra trên các tuyến sông vừa nêu.

Ðể từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn Cà Mau, theo Trung tá Bùi Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát GTÐT Cà Mau cho biết, trước hết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn GTÐT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm làm chuyển biến ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của nhân dân và người tham gia giao thông. Thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, đăng kiểm và tập trung đào tạo chuyên môn cho người điều khiển phương tiện. Biện pháp tuần tra kiểm soát và xử phạt vi phạm của lực lượng cảnh sát GTÐT chỉ là biện pháp tình thế.

Vấn đề có tính quan trọng là tỉnh nên có định hướng quy hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa đồng bộ, đưa vào khai thác các tuyến lưu thông hợp lý, ổn định; tránh tình trạng khai thác luồng, tuyến tràn lan gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Ðối với các luồng, tuyến do địa phương quản lý phải được đầu tư lắp đặt hệ thống biển báo giao thông hoàn chỉnh và để từ đó chấn chỉnh, lập lại trật tự an toàn giao thông thủy, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra.
Theo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)