Thông thường tâm lý của người dân là rất sợ CSGT, ví dụ như: mỗi khi CSGT tổ chức các chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm ATGT thì ý thức chấp hành của người dân thường tốt hơn, hay những nơi có CSGT thì người tham gia giao thông cũng ít dám chạy xe ngang ngược, lấn tuyến hay vượt đèn đỏ.
Với những người có ý thức thì việc tham gia giao thông tại các thành phố lớn của nước ta thật sự hết sức bức xúc bởi ý thức chấp hành Luật Giao thông của đại đa số mọi người còn quá kém. Do vậy, rất cần một giải pháp hợp lý và răn đe người vi phạm để họ không dám tái diễn.
Thông thường tâm lý của người dân là rất sợ CSGT, ví dụ như: mỗi khi CSGT tổ chức các chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm ATGT thì ý thức chấp hành của người dân thường tốt hơn, hay những nơi có CSGT thì người tham gia giao thông cũng ít dám chạy xe ngang ngược, lấn tuyến hay vượt đèn đỏ.
Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên hình thành những "đội CSGT chìm", không mặc đồng phục, mà chỉ cần mặc thường phục như người dân, mang theo thẻ, hay đại loại như một loại giấy phép nào đó không thể làm giả để chứng minh mình là CSGT đang thi hành nhiệm vụ.
Những người này sẽ được phân chia theo nhóm khoảng từ 2 đến 4 người trên một tuyến đường mỗi ngày (có thể ít hơn tùy theo độ dài, ngắn của tuyến đường cũng như mật độ người dân lưu thông trên đường). Hàng ngày CSGT chìm trong mỗi nhóm sẽ đi tuần tra trên tuyến đường mình được phân công, thấy người nào vi phạm Luật Giao thông như: lấn tuyến, chạy ẩu, vượt đèn đỏ... là gọi vào, trình giấy CSGT và phạt một cách tâm phục.
Và những nhóm này sẽ được luân phiên thay đổi trên các tuyến đường khác nhau để tránh bị người dân quen mặt. Nếu làm được như thế, lâu ngày sẽ tạo được tâm lý cảnh giác, người dân dần dần sẽ ý thức hơn trong việc chạy xe vì trên đường họ không biết ai là CSGT nên sẽ chạy xe cẩn thận vì sợ bị phạt.
Nếu áp dụng hình thức này chúng ta sẽ phát hiện triệt để hơn những vi phạm trên đường, hơn nữa số tiền thu phạt vi phạm sẽ lớn hơn nhiều so với hiện nay và có thể góp phần vào đầu tư cải tạo giao thông. Hơn nữa, khi áp dụng hình thức này chúng ta không cần phải thêm nhân lực vì đội ngũ CSGT hàng ngày đứng ở các chốt giao thông là quá đủ rồi.
Còn một điều quan trọng, tâm lý của người dân là thích đối phó, ví dụ như ở các tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm, khi thấy CSGT ở xa thì sẽ đội mũ vào, còn không thấy cứ thế mà chạy, áp dụng hình thức này ở các tuyến đường này, người dân cũng sẽ cảnh giác vì không biết ai là CSGT.
Võ Chí Thiện (TP Hồ Chí Minh)