Giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam

Thứ ba, 13/02/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, tai nạn giao thông từ lâu đã trở thành vấn đề nổi cộm, nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Rất nhiều công trình, ý kiến cũng như giải pháp đã được đưa ra để giải quyết nhưng kết quả không được như mong muốn. Theo ý kiến của tôi, giải quyết tình trạng giao thông hiện nay, ngoài những giải pháp nhất thời...
Người gửi: Phí Hoàng Nguyên.
Địa chỉ: Phòng XTTM - Trung tâm Tiếp thị - Triển lãm
Nông Nghiệp & PTNT.


Hiện nay, tai nạn giao thông từ lâu đã trở thành vấn đề nổi cộm, nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Rất nhiều công trình, ý kiến cũng như giải pháp đã được đưa ra để giải quyết nhưng kết quả không được như mong muốn. Theo ý kiến của tôi, giải quyết tình trạng giao thông hiện nay, ngoài những giải pháp nhất thời, trước mắt chúng ta phải đi sâu tìm hiểu bản chất của vấn đề và đưa ra các giải pháp tổng thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo ý kiến của tôi, tình trạng an toàn giao thông (ATGT) tại Việt Nam hiện nay là do những nguyên nhân cơ bản sau đây:
1. Hệ thống Giao thông kém phát triển.
2. Hiểu biết, ý thức của người tham gia giao thông yếu kém.
3. Các chế tài quản lý còn chưa khoa học, hợp lý.
4. Cơ cấu chủng loại phương tiện tham gia giao thông có độ an toàn thấp.
5. Hệ thống giám sát giao thông tự động và bán tự động không có hoặc hoạt động không hiệu quả.
Nhiều vấn đề kể trên mang tính lịch sử, rất khó giải quyết trong một thời điểm hay giải quyết một cách không đồng bộ cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Muốn giải quyết phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, lực lượng trong xã hội theo những quy trình, giải pháp khoa học, hiệu quả mang tính lâu dài.
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất và ít tốn kém nhất chính là “các quy định, chế tài quản lý giao thông tại Việt Nam”. Với sự mong muốn không phải nghe, đọc, xem những thông tin về tai nạn giao thông, tôi xin được trình bày giải pháp tổng thể để hạn chế tai nạn giao thông. Giải pháp tổng thể này có mục đích:
1. Xây dựng các chế tài quản lý, xử phạt, khen thưởng các đối tượng tham gia giao thông.
2. Nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
3. Mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông với chi phí thấp, hiệu quả cao và quy hoạch đẹp.
4. Đưa ra những gợi ý về thay đổi cơ cấu chủng loại phương tiện tham gia giao thông nhằm nâng cao sự an toàn cho người tham gia giao thông.
5. Gợi ý về áp dụng khoa học công nghệ, cơ chế, phương thức quản hệ thống giám sát giao thông.

Tôi xin phép được trình bày như sau:

1. Như đã nói ở trên, vấn đề quan trọng nhất và ít tốn kém nhất chính là “các quy định, chế tài quản lý giao thông tại Việt Nam”. Các quy định chế tài này có ảnh hưởng quyết định đến nhận thức cũng như hành vi của người tham gia giao thông. Nói là ít tốn kém nhưng nó chỉ đúng về mặt “tiền của”, chứ để giải quyết vấn đề này tốn rất nhiều thời gian và “chất xám” của những người xây dựng quy chế. Theo tôi nên xây dựng các quy chế quản lý một cách khoa học, khách quan mang tính giáo dục theo nguyên tắc có “thưởng”, có “phạt” không đặt người khác vào thế “đường cùng” dẫn đến việc “đối phó”, “làm liều” cũng như tạo cơ hội cho những tiêu cực xảy ra trong quá trình quản lý giao thông.
Ví dụ 1: Theo tôi, cần bỏ ngay chế tài đột lỗ bằng lái xe hiện nay (giả sử như bạn đang là trụ cột một gia đình một vợ và hai con trong khi nghề lái xe là nghề duy nhất mà bạn biết; bằng lái xe của bạn đã bị bấm 02 lỗ; khi nhìn thấy cảnh sát giao thông bạn sẽ nghĩ gì và làm gì?), chúng ta nên thay thế nó bằng quy chế thưởng phạt bằng điểm như một số nước đang áp dụng (khi vi phạm giao thông bạn sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ vi phạm, nhưng trong vòng một thời gian nhất định, nếu không bị vi phạm bạn sẽ được cộng một số điểm nhất định…).
Ví dụ 2: Muốn áp dụng hệ thống giám sát giao thông tự động ta cần phải lắp thêm một biển nữa vào xe gắn máy (Trung Quốc đã áp dụng điều này) và chuyển đổi chủ sở hữu xe; Muốn người dân tự nguyện chuyển tên chính chủ thì giảm thiểu chi phí và thủ tục sang nhượng cũng như có những chế tài nghiêm khắc cho những người không chuyển đổi chủ sở hữu. Đối với những phương tiện đã sang nhượng quá nhiều lần dẫn đến khó khăn trong việc tìm ra chính chủ của xe, nên tạo điều kiện để người sở hữu hiện tại đứng tên với điều kiện viết giấy cam kết và đưa các dữ kiện về xe đó vào máy tính để đối chiếu với những xe bị mất cắp…Có thể áp dụng thí điểm từng vùng miền một.

2. Về nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông: Hiện nay nhận thức của người tham gia giao thông ở VN còn rất thấp, một bộ phận người tham gia giao thông tuy nhận thức được nhưng vẫn cố tình hay bị buộc phải tham gia giao thông “một cách hỗn loạn” (như lời của một chuyên gia nước ngoài nói về giao thông tại Hà Nội). Điều này gần như đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Cần có những giải pháp tổng thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Xây dụng lại cách chuẩn mực quy tắc đạo đức, văn hóa trong xã hội; gắn liền các hành vi tham gia giao thông với chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong xã hội.
Ví dụ 3: Chúng ta cần dạy các quy tắc tham gia giao thông cho trẻ nhỏ và dùng chính trẻ nhỏ để dạy cho người lớn (bố, mẹ, ông, bà, cô chú…) cách thức tham gia giao thông. Thực ra việc dạy trẻ nhỏ về các quy tắc tham gia giao thông đã được thực hiện từ lâu tại một số các trường học, tuy nhiên chúng ta chỉ đơn thuần là dạy trẻ. Nếu chúng ta dạy trẻ ở một góc độ khác, nhìn nhận trẻ nhỏ là một “thanh tra giao thông” trong gia đinh trẻ, tôi tin rằng hiệu quả giáo dục sẽ được nhân lên gấp nhiều lần và thực tế hơn.
Ví dụ 4: Một biện pháp nữa có thể áp dụng, đó là xây dựng các biện pháp giáo dục ý thức tham gia giao thông với tư tưởng miệt thị những người vi phạm an toàn giao thông (Ví dụ: phạt đứng trực cùng cảnh sát giao thông; phạt lao động công ích; chép lại toàn bộ hay một phần các quy định trong luật giao thông đường bộ; xây dựng các pano có hình ảnh về sự tiến hóa của loài người từ loài linh trưởng đến con người hiện đại – đang điều kiển phương tiện tham gia giao thông - cùng với câu hỏi “bạn đang ở giai đoạn nào của quá trình tiến hóa?”…).
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông cho các đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng các phương tiện, hình thức phù hợp.

3. Quy hoạch, mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông với chi phí thấp, hiệu quả cao. Lâu nay, việc mở rộng đường dường như rất khó khăn đối với chúng ta, một con đường dài chưa đầy 1km tại Hà Nội ngốn của xã hội trên dưới 40 triệu đô la với thời gian từ lúc quy hoạch cho tới khi hoàn thành lên tới trên dưới 10 năm trời trong khi 1km đường đua F1 quốc tế cũng chỉ tốn khoảng 1 triệu đô la. Bạn hãy tưởng tượng một thành phó như New york (Mỹ) làm thế nào để “biến” cả một dãy phố thành một con đường hay “xoay” một con đường từ “ngang” thành “dọc”, nếu bạn so sánh những bức ảnh chụp thành phố này sau khoảng 50 năm, bạn sẽ cảm giác như đó là một bức vẽ mà ở đó người ta xóa toàn bộ đi và vẽ lại toàn bộ. Có phải do nước Mỹ quá giàu để đền bù đất đai, thực ra không phải vậy mà chủ yếu là do “cách thức làm” của họ.

Mở đường như chúng ta hiện nay chỉ gây tốn kém và tạo ra những bất công, khiếu kiện, những ngôi nhà mỏng và siêu mỏng… tại sao những người ở trong ngõ lại chẳng mất gì lại thành mặt phố (giá đất lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần), tại sao những ngôi nhà siêu mỏng vẫn xuất hiện ngay cả trên những trục đường ngoại giao, tại sao cảnh quan đô thị lại manh mún, lởm chởm như vậy?. Theo tôi, khi mở đường, ngoài phần diện tích để làm đường, chúng ta cần lấy thêm một cơ số đất nhất định hai bên đường, số đất này sẽ được quy hoạch và bán cho những đơn vị, tập thể, cá nhân có đủ năng lực xây dựng các công trình theo quy hoạch. Những nhà vốn dĩ trong ngõ sẽ được tạo một đường dân sinh song song với đường trục chính. Làm được việc này chúng ta vừa giảm chi phí đền bù, giảm tải giao thông cho trục đường chính, cảnh quan đô thị trở nên đẹp đẽ, giảm bớt sự bất công, vô lý trong xã hội….

4. Cơ cấu và chủng loại phương tiện giao thông: Do nhiều yếu tố mang tính lịch sử cùng với sự kém phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng nên các chủng loại phương tiện giao thông ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe máy, một phương tiện hai bánh rất thiếu an toàn (tay lái hở, vận hành dựa trên sự lấy thăng bằng của người điều kiển, tiết diện tiếp xúc với mặt đường nhỏ…). Tất nhiên nếu thay thế được bằng ô tô, chắc chắn số lượng người chết và bị thương sẽ giảm đi nhiều lần, nhưng với điều kiện hiện nay của Việt Nam, điều này là không tưởng. Cần có các chế tài cụ thể khuyến khích nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng những mẫu xe an toàn hơn như có bộ phận che tay lái, xe gắn máy bốn bánh (một số nước châu Âu đã đưa mẫu xe này vào lưu thông)…
Tất cả các phương tiện tham gia giao thông, sau một thời gian nhất định sẽ phải kiểm định thường xuyên, và đưa ra các quy định thời gian sử dụng của xe, các xe quá niên hạn sử dụng sẽ bị cấm lưu hành (những xe cũ, xe cổ sẽ không được lưu hành hoặc muốn lưu hành phải đạt các tiêu chuẩn cho phép và nộp lệ phí cao)

5. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của KHCN, việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật vào giám sát giao thông trở nên đơn giản và hiệu quả. Theo tôi, sau khi đã chuyển chủ sở hữu, thêm biển đằng trước vào xe gắn máy chúng ta nên áp dụng tối đa việc giám sát, ghi nhận các lỗi vi phạm giao thông của người tham gia giao thông, điều này vừa mang tính khách quan, hiệu quả, giảm bớt tiêu cực, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ chỉ xử lý trực tiếp các vụ tai nạn, các lỗi vi phạm gây nguy hiểm trực tiếp cho xã hội và tiến hành xử lý các vi phạm được ghi nhận từ trung tâm trước đó…

Muốn thực hiện tốt, chúng ta cần có các chế tài phù hợp, ví dụ: sau khi lỗi vi phạm được ghi nhận, trung tâm xử lý sẽ gửi thư thông báo lỗi vi phạm tới chủ nhân phương tiện tham gia giao thông bằng thư bảo đảm, sau một thời hạn nhất định, chủ phương tiện không nộp phạt, sẽ có cảnh sát giao thông đến tận nhà thông báo lỗi vi phạm cùng với mức phạt tăng lên nhiều lần; nếu chủ phương tiện vẫn không chịu nộp phạt sẽ khởi kiện và đưa ra tòa vì đã vi phạm giao thông và không chấp hành hình phạt mức phạt có thể là phạt lao động công ích hay phạt tù ngắn ngày cùng với mức phạt tiền thật nặng.
Khi viết những dòng này, tôi vừa đọc thông tin về vụ tai nạn giữa ô tô và tàu hỏa tại Khánh Hòa khiến hàng chục người chêt và bị thương. Tôi nhớ trong một chuyện ngụ ngôn đàn chuột đã tìm cách đeo chuông vào cổ mèo, tại sao chúng ta lại không?. Với trình độ KHCN hiện nay việc “đeo chuông” hoàn toàn không khó. Chúng ta cho lắp đặt một hệ thống phát tín hiệu tại tất cả các đoàn tàu với bán kính sóng từ 200 – 300 m; Tất cả các phương tiện tham gia giao thông buộc phải trang bị bộ phận bắt tín hiệu cảnh báo, những thiết bị này có thể được trang bị cho người dân và học sinh dưới dạng đồng hồ đeo tay… Theo tôi ước tính, nếu sản xuất với quy mô lớn, một thiết bị gắn vào ô tô, xe máy không quá từ 20.000 - 50.000/ chiếc, thiết bị cho khách bộ hành, trẻ em từ 5.000 – 10.000 đ/ chiếc.

Trên đây là những ý kiến và giải pháp của tôi nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam, những ý kiến, thông tin trên, một số do tôi sưu tầm được, một số là ý tưởng cá nhân của tôi. Tất cả chỉ với mục mục đính để xã hội ta ngày càng tốt đẹp và an toàn. Kính mong được sự tham khảo, góp ý của mọi người, đặc biệt là các nhà quản lý có thẩm quyền.

 

Phí Hoàng Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)