Người gửi: Đồng Xuân Thành.
E-mail: riccc@fpt.vn.
Ngày: Thứ tư, 07/02/2007.
Trong mấy năm gần đây, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phổ biến tuyên truyền Luật Giao thông trong các trường học, tăng cường sự hiểu biết Luật Giao thông cho một số tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là học sinh trong các trường tiểu học và trung học cơ sở. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông nhưng hiệu quả thực tế thì chưa được chứng minh. Số vụ tai nạn giao thông và tình trạng lộn xộn trong giao thông vẫn không ngừng gia tăng, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không hề thuyên giảm. Càng ngày số bộ giấy tờ xe bị thu giữ càng nhiều và có ngày số tiền phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đã lên tới hàng tỉ đồng. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải xem xét lại tính hiệu quả của các biện pháp đã được thực hiện và nguyên nhân thực sự của vấn đề rối loạn kỷ cương này là gì?
Chúng ta đều biết, đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông chủ yếu là môtô, xe máy và trên 70% các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông gây nên. Các đối tượng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, đua xe trái phép, tạo nguy cơ gây tai nạn giao thông phần đông là thuộc lứa tuổi thanh niên, vậy ta cần có biện pháp tác động giáo dục cũng như ngăn chặn các đối tượng này là chính. Muốn tác động giáo dục có hiệu quả thì phải hiểu được tâm lý đối tượng, đây là loại đối tượng đang dư thừa sức lực lại chưa định hướng rõ ràng mục đích của cuộc đời nên dễ hưng phấn bốc đồng và có những hành vi thiếu tính mục đích. Đối với loại đối tượng này, ảnh hưởng của bạn bè là rất quan trọng, đối tượng sẽ phải do dự cân nhắc trước khi thực hiện một hành vi nào đó khi mà hành vi đó bị bạn bè hoặc người yêu chê bai, ví dụ như hành vi đua xe chẳng hạn.
Bởi vậy, đối với các đối tượng này nên thông qua các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ tác động giáo dục thì sẽ hiệu quả hơn. Hoạt động của các đoàn thể quần chúng phải có chương trình cụ thể tránh chung chung hình thức, phải rà soát danh sách các đối tượng có khả năng đua xe và dùng sức mạnh của cả một nhóm người tuyên truyền cho họ biết là việc đua xe không có gì để chứng tỏ là người có sức mạnh được, vì hầu hết các chi tiết xe máy là do nước ngoài thiết kế và chế tạo ra, chúng ta chẳng được quyền tự hào về tính năng chạy nhanh của xe máy khi chúng ta không sáng tạo ra nó, còn việc rồ ga phóng nhanh vượt ẩu thì chỉ là thao tác rất đơn giản mà một đứa trẻ con cũng có thể xoay vặn tay ga hết cỡ.
Trong việc tuyên truyền giảm ùn tắc giao thông, thì đối tượng chính cần tuyên truyền giáo dục là các lái xe ôtô và các xe thô sơ chở hàng hoá cồng kềnh đi vào đường hẹp của thành phố trong giờ cao điểm. Khi các lái xe ôtô bám đuôi nhau đi vào ngã ba, ngã tư, chèn vượt nhau trong đoạn đường hẹp đã chắn gần hết đường, làm cho các phương tiện giao thông khác dù là nhỏ gọn cũng không thoát đi được và phải ùn lại, còn các xe thồ với kích thước cồng kềnh và tốc độ chậm đã thành vật cản đường đối với các phương tiện ôtô, xe máy khi chúng đi chung vào cùng một làn xe.
Qua các đợt điều tra lưu lượng giao thông phục vụ cho các nghiên cứu khả thi giao thông Thủ đô, nhiều người đã nhận thấy một hiện tượng phổ biến là cứ vào sáng sớm, số người từ ngoại vi ùn ùn đổ về thành phố với đủ các loại phương tiện và đến khoảng hơn 7 giờ thì số người này đã đi vào các con đường trong trung tâm thành phố, đóng góp vào việc làm tăng vọt lưu lượng giao thông ở đây lên gấp 2,5 - 3 lần lúc bình thường và hình thành “ giờ cao điểm”. Để đạt được mục tiêu giãn số lượng người đi lại trong giờ cao điểm, giảm ùn tắc giao thông thì khâu tuyên truyền cho những người ở khu vực ngoại thành vào làm ăn buôn bán trong thành phố đóng một vai trò quan trọng (gần nửa triệu người mỗi ngày).
Vì thiếu hiểu biết và thiếu ý thức xã hội mà số người này cứ hành động tuỳ tiện theo thói quen thồ hàng vào thành phố đúng giờ cao điểm và số đông cũng lại ra về đúng vào giờ tan tầm làm việc của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước là những người buộc phải đi đúng giờ, trong khi việc làm ăn, buôn bán tự do của số người này không nhất thiết phải đi đúng vào những giờ cao điểm để tăng thêm nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đối với những thành phần ít học này, cách tuyên truyền phải thông qua những câu thật đơn giản, ngắn gọn, không nói xa xôi vòng vèo, ví dụ có thể dùng câu “không đi vào thành phố trong giờ cao điểm (7 - 8 giờ, 16 - 18 giờ) để tránh ùn tắc giao thông”, hoặc câu “ ai không có việc cấp thiết thì không nên đi vào giờ cao điểm (7 - 8 giờ, 16 -18 giờ )”.
Trong các câu tuyên truyền trên, nếu chỉ nói giờ cao điểm không thôi thì rất nhiều người dân sẽ không hiểu giờ cao điểm dễ gây ùn tắc giao thông trong thành phố là những giờ nào. Bằng các phương tiện truyền thanh, truyền hình và hoạt động tích cực của các tổ chức quần chúng tiến hành thống kê từng đối tượng cụ thể trong địa bàn để cử người đến trực tiếp giải thích, nhắc nhở, kết hợp với các pa-nô, áp-phích tuyên truyền đặt ở các cửa ngõ ra vào thành phố và có người giám sát giải thích trong những tuần đâù thì mới đạt hiệu quả. Các lực lượng chức năng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông cần phải làm đúng vai trò của mình, cảnh sát giao thông thì ra mệnh lệnh, răn đe là chính, còn các lực lượng quần chúng thì làm công tác vận động, giáo dục, thuyết phục.
Lĩnh vực giao thông vận tải cũng là một lĩnh vực liên quan đến mọi người làm mọi ngành nghề trong xã hội, nên người làm công tác tham mưu về vấn đề này cần phải có sự hiểu biết rộng, tránh sự phiến diện đề ra các biện pháp cấm đoán tuỳ tiện gây ảnh hưởng lớn đến các chính sách xã hội hiện hành và sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trước khi đề ra một chủ trương, biện pháp gì phải cân nhắc xem nó sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực xã hội khác như thế nào, mọi quyết định đều phải dựa trên căn bản của hiến pháp thì mới có ảnh hưởng thuyết phục và kích thích được lòng tự hào, tính tự giác cũng như sức mạnh của tuyệt đại đa số nhân dân.