Tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng. Tai nạn để lại cho xã hội những hậu quả nặng nề: hàng chục ngàn người chết mỗi năm, đa phần là những người trẻ tuổi.Chúng ta đang rơi vào một thảm hoạ của giao thông...
Vậy, nguyên nhân chính bắt nguồn từ đâu? Cần làm rõ để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này!
- Có người cho rằng: tai nạn xảy ra là do nguời điều khiển phương tiện có ý thức kém, không tôn trọng luật giao thông, sử dụng bia rượu khi điều khiển xe, chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu và nhiều nguyên nhân chủ quan khác... Tất nhiên mọi tai nạn đều được gây bởi người điều khiển, nhưng tai nạn không chỉ chi phối bởi các nguyên nhân chủ quan mà còn bị tác động bởi các nguyên nhân khách quan và chính yếu tố khách quan mới là nhân tố quan trọng trong việc hình thành tai nạn.
Theo tôi, trong các loại hình di chuyển: máy bay, tàu hoả, tàu điện, ôtô, môtô, xe máy...thì môtô, xe máy được nguời dùng ưa thích vì chúng tiện lợi, gọn nhẹ, dễ sử dụng. Nhưng chính loại hình nầy lại là kém an toàn nhất ! Xã hội ta hiện nay đang chọn loại hình di chuyển nầy để đi lại mỗi ngày, môtô-xe máy đang phục vụ cho hàng triệu người từ thành thị đến nông thôn.
Hãy nhìn quanh, có quốc gia nào mà tỉ lệ người sử dụng môtô-xe máy lại cao như ở nước chúng ta! Sai lầm trong việc lựa chọn hình thức di chuyển là nguyên nhân chính dẩn đến tai nạn xảy ra nhiều, nhất là trong bối cảnh hệ thống giao thông của ta đang phát triển hỗn độn, dễ mất an toàn.
Ngoài nguyên nhân gây bởi loại hình di chuyển, tai nạn còn bị chi phối bởi các nguyên nhân khách quan khác như:
- Đường sá nhỏ hẹp, chỉ phù hợp với các loại xe di chuyển chậm, mật độ thưa. Các con đường đang được nâng cấp tu sửa nên dễ dẩn đến các bất hợp lý, sự cố trên đường.
- Lượng xe lưu thông quá nhiều, mật độ quá lớn; đa phần là ôtô, môtô phân khối lớn. Đặc biệt trong thời gian gần đây: mật độ xe tăng nhanh là nguyên nhân làm rối loạn, giảm độ an toàn và tính ổn định của hệ thống giao thông.
- Đội ngũ điều hành, quản lý giao thông có trình độ nghiệp vụ yếu, hoạt động kém hiệu quả...
Tất cả các nguyên nhân chủ quan, khách quan tạo nên một bức tranh hổn độn về giao thông. Hậu quả là hằng trăm vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày, là nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu trong thời bình.
Riêng loại hình môtô, xe máy mà chúng ta ưa chuộng cũng là chuyện cần bàn: Những năm gần đây, đa phần các xe được cấp phép lưu hành đều có dung tích xi lanh lớn cỡ 110 cm3 trở lên. Các xe nầy có hình thức đẹp, chạy êm và dễ sử dụng. Xe có công suất tải lớn, dễ dàng chở 2 hoặc 3 người kèm theo và dễ dàng đạt tốc độ cỡ 80 km/giờ.
Thật thú vị khi điều khiển một chiếc xe có nhiều tính năng tuyệt vời như thế, nhất là với các bạn trẻ! Tuy vậy, sự thú vị chỉ đến khi người điều khiển làm chủ được tay lái; còn khi nguy cấp, sự sợ hãi làm tê cứng mọi cử động thì chiếc xe như một con ngựa bất trị, hung hãn và vô cùng nguy hiểm. Biết được điều nầy thì tai nạn đã đến và mọi chuyện đã quá muộn...!
Với đường sá nhỏ hẹp ở các thành phố ta, theo quy định các môtô phải di chuyển với tốc độ nhỏ hơn 40km/giờ. Vậy, cho lưu hành phổ biến loại môtô phân khối cỡ trên 110cm3 là không phù hợp thực tế, vô hình chung chúng ta trang bị một khả năng chở nhiều, phóng nhanh, vượt ẩu và tai nạn xảy ra thì thường là hậu quả rất nặng nề.
Ở nông thôn tình trạng đường sá còn kém hơn, đa phần người sử dụng mới làm quen với môtô-xe máy nên tai nạn càng dễ xãy ra hơn...
Trong tình trạng như hiện nay, để hạn chế tai nạn giao thông cần những giải pháp gì?
Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của đ/c bộ trưởng Bộ GTVT khi cho rằng: cần hạn chế phương tiện đi lại cá nhân và tăng cường phương tiện đi lại công cộng ( Tuổi Trẻ ngày 22-12-2006 ).
Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực an toàn, nhưng ở diễn đàn nầy cũng xin được tham gia vài ý kiến của riêng mình:
- Cần tuyên truyền và làm cho mọi người rõ việc đi lại bằng môtô-xe máy là tiện lợi nhưng rất nguy hiểm, kém an toàn. Từ đó hướng người dân sử dụng các loại phương tiện khác an toàn hơn như: xe bus, tàu điện... Đồng thời cần tổ chức thật tốt, thật thuận tiện và an toàn các phương tiện công cộng để người dân tin dùng.
- Hạn chế việc quãng cáo các loại môtô phân khối lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cấm lưu hành các loại xe phân khối lớn có hình dạng thể thao, đặc biệt là những xe có dung tích xi lanh trên 170cm3.
- Tăng cường trật tự giao thông, xử phạt nghiêm minh. Phân luồng, phân tuyến cho từng loại xe lưu thông trên đường, đồng thời quy định một số tuyến đường phải lưu thông một chiều để tăng vận tốc định hướng nhằm đảm bảo tính trật tự của hệ thống giao thông.
- Hạn chế tốc độ xe lưu thông bằng cách thiết kế một thiết bị cảnh báo tự động và gắn vào xe. Thiết bị nầy phát tín hiệu ánh sáng hoặc âm thanh, nó sẽ hoạt động khi người điều khiển xe vượt quá tốc độ cho phép. Một thiết bị như thế dễ dàng chế tạo và cần trang bị khi xe được xuất xưởng.
- Hạn chế mật độ môtô-xe máy lưu thông bằng nhiều biện pháp như: quy định tuổi cho người điều khiển, quy định thời gian sử dụng tối đa cho xe môtô, kiểm tra độ an toàn của xe và thu hồi giấy phép các xe không đảm bảo an toàn, đóng phí giao thông hoặc không trợ giá bán xăng cho môtô-xe máy...
Để làm giảm tai nạn giao thông cần có sự quyết tâm của nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân. Nhà nước cần đưa ra các biện pháp cụ thể, đồng bộ ở tầm vĩ mô và được nhân dân hưởng ứng thì mới hy vọng xoay chuyển tình trạng giao thông của ta hiện nay.