Việc hiến kế cho giải pháp giao thông đường bộ ở ta không phải là dễ. Theo tôi, muốn có được giải pháp để gỉam thiểu vi phạm luật và gây ra tai nạn giao thông một cách căn b?n và toàn diện, nhằm có hiệu quả thực sự chúng ta phải nhìn ra được nguyên nhân của tình trạng này...
Việc hiến kế cho giải pháp giao thông đường bộ ở ta không phải là dễ. Theo tôi, muốn có được giải pháp để gỉam thiểu vi phạm luật và gây ra tai nạn giao thông một cách căn b?n và toàn diện, nhằm có hiệu quả thực sự chúng ta phải nhìn ra được nguyên nhân của tình trạng này.
Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính, có quan hệ chặt chẽ với nhau làm nên tình trạng giao thông hỗn độn, gia tăng tai nạn như hiện nay:
1. Ý thức của người tham gia giao thông.
2. Hệ thống quản lý, điều hành và hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông yếu kém.
Chính nguyên nhân thứ hai đã tạo ra nguyên nhân thứ nhất và để nó tồn tại từ xưa đến nay và mỗi ngày một trầm trọng hơn. Tôi thấy việc người dân đi lại ngày càng bừa bãi hơn, theo ý mình, bất chấp luật lệ đã học vì họ thấy rõ sự bất lực của lực lượng CSGT và chính quyền trong việc cải thiện tình trạng giao thông kém cỏi của ta.
Trước kia, từ những năm 60 sau ngày nước nhà giành độc lập, rồi những năm 70 sau giải phóng miền Nam, ở ngoài Bắc không có xe máy, ô tô thì rất ít, chủ yếu là xe đạp. Khi đó việc hướng dẫn giao thông chỉ cần có anh công an đứng ở các ngã tư chỉ trỏ hoặc coi xem người ta đi lại tuỳ theo ý mình, làm sao có tai nạn làm chết người như bây giờ. Còn ở miền Nam, số xe máy và ôtô cũng ít, với hệ thống đèn điều khiển giao thông ở các giao lộ mà ngày nay còn sử dụng đã quá tốt rồi, không có cảnh kẹt đống, ai cũng tranh đi trước, rồi quẹo ngang dọc, trái phải tứ tung như ngày nay. Tóm lại chúng ta đã để mặc cho người dân đi theo thói quen bừa bãi, “tuỳ hoàn cảnh, miễn sao đi được” quá lâu rồi, hàng 30-40 năm qua, và nay nó đã thành thói quen khó chữa lắm.
Thử nhìn từ trên trời xuống, ở một ngã tư bất kỳ nào đó, khi đèn xanh và đỏ (ở phía cắt ngang) bật lên thì chúng ta thấy từ tám phía (chứa không phải tứ phía) đều có người đi, cắt chéo lẫn nhau, chẳng theo một thứ tự nào hết, xe hơi thì quẹo phải hợp với dòng xe máy quẹo trái phía đối diện cản trở dòng người đi xe máy thẳng thuận chiều, đồng thời dòng quẹo trái của phía đáng phải đi thẳng lại cản trở dòng xe cộ của phía đối diện. Còn những người đi bộ thì không biết phải đi như thế nào để qua đường, vì lúc nào cũng có xe máy, xe hơi chạy qua, bất kể đèn xanh, đèn đỏ. Còn ở trên khắp các nẻo đường, ở thành phố cũng như nông thôn, người ta thích rẽ lúc nào thì rẽ, trái phải khỏi cần biết, xe đạp, xe máy ô tô tàu thuỷ như nhau hết. Tình trạng này do đâu? Theo tôi không phải do ý thức người đi, mà là do Cơ Quan Giao Thông đã hướng dẫn và để người ta đi như vậy.
Từ đây tôi thấy chúng ta phải rèn lại ý thức cho người tham gia giao thông bằng cách qui định hướng dẫn giao thông đúng, như ở các nước tiên tiến người ta áp dụng, bảo đảm không gây ra ùn tắc, kẹt và trên hết sẽ giảm hẳn tai nạn. Một lẽ đơn giản, khi người ta không đi bừa bãi nữa thì làm sao gây ra tai nạn được. Việc hướng dẫn đi lại đúng theo tôi các nhà chức trách không lạ gì, vì họ thường xuyên ra nước ngoài cũng như có hẳn những chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài về Tổ chức giao thông một cách bài bản, lẽ nào lại không học được để áp dụng ở ta.
Có mấy điểm chính tôi đề nghị như sau:
Cần tạo cho tất cả các người sử dụng các loại phương tiện giao thông một thói quen đi thuận chiều, không được rẽ trái, kể cả phải bất kỳ lúc nào mà phải tuân theo hướng đẫn của CSGT và đèn hiệu. Khi đã có thói quen này rồi thì người dân cần phải đi vòng theo chiều thuận về ngõ, hẻm nhà mình chứ không thể cứ rẽ trái về luôn cho gần như bây giờ nữa, mặc cho trên đường có đầy các loại xe cộ đang đi thuận chiều.
Chấm dứt ngay cách hướng dẫn đi lại cho cả tám phía như trên ở tất cả các giao lộ, nhất là ngã tư. Khi đèn xanh, thì chỉ có các loại xe cộ được đi thẳng. Các loại xe muốn rẽ trái hay phải đều cần phải chờ được phép. Có nghĩa là phải có các đèn hiệu cho rẽ phải và trái ở giao lộ. Kèm theo đây tôi thấy chúng ta cần có sự phân làn cho các chiều đi ở các loại giao lộ này: xe muốn rẽ phải phải chờ ở làn phía trong cùng bên phải, còn muốn rẽ trái phải chờ ở làn cùng bên trái. Chỉ có vậy mới không gây ra cảnh hỗn độn, cản trở lẫn nhau như ở trên, và người đi bộ còn có lúc đi được, không lo bị các loại xe tông ngay cả lúc có quyền được đi.
Phạt thật nặng tất cả trường hợp vi phạm hướng dẫn giao thông đúng (Theo tôi cần phải nói như vậy, vì Luật giao thông đường bộ của ta bây giờ chỉ nói chung chung chứ chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết).
Hình phạt cấm sử dụng các phương tiện có động cơ có thời hạn cần áp dụng với những trường hợp vi phạm luật GT. Theo tôi thời hạn cấm cần có là 1, 2, 3 năm. Còn trường hợp nặng sẽ cấm vĩnh viễn. Những vi phạm sau cần áp dụng hình phạt này: vượt đèn đỏ, say rượu, quay xe ôtô trên đường, có hành vi coi thường tính mạng người đi đường như phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn. Còn hành vi đua xe thì rõ ràng cần phải cấm cùng với tịch thu phương tiện ngay tức thời.
Cần thay đổi cách làm việc của Cảng sát Giao thông (CSGT). Hiện nay CSGT của chúng ta bỏ ngỏ nơi cần phải kiểm soát chặt chẽ và hàng ngày, hàng giờ, đó là trên đường. Đến bây giờ chúng ta đã bỏ ra hàng nhiều triệu đôla để đầu tư cho hệ thống đèn hiệu GT ở khắp nơi, lý gì ta lại vẫn duy trì việc để người CS làm thay những cột đèn hiệu đó. CSGT cần phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên đường để bảo đảm việc chấp hành tốt của người dân ở trên đường. Vì tôi thấy phần lớn vi phạm dẫn đến tai nạn, có thể nói tới hơn 80% là ở trên các tuyến đường lộ, cũng như trong các thành phố. Hiện nay việc chấp hành Luật GT ở các giao lộ của người dân đã có nhiều tiến bộ, cho nên ta cần chú ý đến nơi còn bỏ ngỏ là trên đường. Đừng lấy lý do là thiếu người và phương tiện. Cái chính là ta làm thế nào cho hợp lý, vì tiền của cần đầu tư vào đúng chỗ và hợp lý.
Theo tôi, CSGT chỉ cần ở các giao lộ vào các giờ cao điểm để giải quyết nạn ùn tắc xe cộ, còn phần lớn thời gian nên dành cho tuần tra, làm việc trên đường như ở các nước bên cạnh đang ta làm. Cách làm này đồng thời sẽ góp phần tạo rèn thói quen đi lại đúng cho mọi người, giảm thiểu tai nạn đáng kể trên mọi con đường mà CSGT có mặt.
Còn giải pháp quan trọng nhưng mang tầm vĩ mô, đó là xây dựng cở sở hạ tầng giao thông tối ưu phù hợp với thời đại bằng cách mở rộng đường, xây hầm ngầm, cầu vượt, v..v.. và v..v.. thì đó là vấn đề lâu dài và hao tốn tiền của nhiều lắm. Tuy nhiên, nếu mở rộng đường hoài mà dân ta vẫn cứ đi lại như hiện nay thì theo tôi chúng ta phải làm đường trên không thôi, vì đền bù giải toả phức tạp lắm.
Mong rằng những ý kiến của tôi góp được phần nào cho việc giảm thiểu tai nạn giao thông, và cũng làm thay đổi bộ mặt đô thị của chúng ta thông qua việc đi lại có trật tự, chứ không hỗn độn như hiện nay. Chúng ta cần thấy xấu hổ khi nghe người nước ngoài nhận xét về giao thông đi lại ở ta: ĐÁNG SỢ LẮM.