Trình tự, thủ tục và các tình huống xử lý, đặc biệt đối với lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải trực tiếp thực thi công vụ (Kỳ 5)

Thứ năm, 20/10/2016 15:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ban biên tập Website Thanh tra Bộ tiếp tục gửi đến độc giả bài phỏng vấn ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, trong đó đi sâu vào nội dung liên quan đến thẩm quyền dừng phương tiện; tước quyền, tạm giữ GPLX, chứng chỉ hành nghề…

Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà

PV: Hiện nay có nhiều phương tiện ô tô từ 4 đến 7 chỗ được sử dụng để chở khách, phục vụ mục đích kinh doanh vận tải. Thanh tra Giao thông vận tải có được dừng loại phương tiện này để kiểm tra, xử lý vi phạm hay không, thưa ông? Ngoài ra, khi kiểm tra trên các tuyến Quốc lộ nếu phát hiện xe cơi nới kích thước thành thùng xe đang lưu thông (xe không chở hàng) thì Thanh tra GTVT có được dừng phương tiện không?

Ông Lê Thanh Hà: Việc dừng phương tiện của Thanh tra đường bộ được quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT. Theo đó, thanh tra viên, công chức thanh tra đang thi hành công vụ được dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau:
- Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể: Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thanh tra viên, công chức thanh tra đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm đang xảy ra thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra đường bộ thì được dừng phương tiện để buộc chấm dứt hành vi vi phạm.
Trường hợp thanh tra viên, công chức thanh tra đang thi hành công vụ mà phát hiện hành vi vi phạm đang xảy ra (như: vi phạm của xe ô tô chở khách từ 4 đến 7 chỗ ngồi; vi phạm về kích thước thùng xe của xe ô tô chở hàng…) thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra đường bộ thì có thẩm quyền dừng phương tiện để chấm dứt hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm theo quy định.
Cần lưu ý, Thanh tra Bộ GTVT đã có hướng dẫn việc dừng phương tiện tại Văn bản số 1431/TTr-P3 ngày 17/9/2015 về việc hướng dẫn hoạt động thanh tra chuyên ngành. Khi dừng phương tiện, thanh tra viên, công chức thanh tra thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT; báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp về thời gian, địa điểm, số lượng phương tiện đã dừng và kết quả xử lý khi kết thúc kế hoạch làm việc.

PV: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 70 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thì Thanh tra Giao thông vận tải có thẩm quyền dừng phương tiện để xử phạt vi phạm hành chính hay không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hà: Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không quy định thẩm quyền dừng phương tiện của Thanh tra đường bộ. Thẩm quyền dừng phương tiện hoặc đình chỉ hành vi vi phạm bằng cách dừng phương tiện được quy định tại Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 15, Điều 16 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT.
Việc dừng phương tiện của Thanh tra đường bộ thực hiện theo hướng dẫn tại câu trả lời của tôi nói trên.

PV: Thưa ông, theo điểm d Khoản 1 Điều 75, công chức thuộc Thanh tra Sở GTVT có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, công chức thuộc Thanh tra Sở có được dừng phương tiện không?

Ông Lê Thanh Hà: Chỉ có Thanh tra viên và Công chức thanh tra (người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cơ quan được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành) mới có thẩm quyền dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT. Công chức thuộc Thanh tra Sở GTVT không có thẩm quyền dừng phương tiện đường bộ.

PV: Xin ông cho biết Thanh tra Giao thông vận tải có thẩm quyền áp dụng hình thức tước quyền sử dụng GPLX hay không? (ví dụ như đối với xử phạt vi phạm theo Điều 16, Điều 24 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Ông Lê Thanh Hà: Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường bộ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đường bộ có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 73 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Do đó, các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Giao thông vận tải thì các chức danh nêu trên có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (đối với các vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).

PV: Trong quá trình tiến hành kiểm tra, xử lý đối với vi phạm về công trình giao thông thì có được tạm giữ giấy tờ tuỳ thân (chứng minh thư, hộ khẩu) của người vi phạm để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý VPHC và Khoản 2 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Người có thẩm quyền xử phạt không được tạm giữ giấy tờ tuỳ thân (chứng minh thư, hộ khẩu...) của người vi phạm.

Thực hiện: PV-BTV Nguyễn Minh Phương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)