Sáng ngày 6/1, tại trụ sở Sở GTVT Hà Nội (số 2, Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo ATGT xe buýt năm 2012.
Tới tham dự Hội nghị có Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – ông Nguyễn Hoàng Linh, các Trưởng phó phòng của Sở GTVT Hà Nội, Đại diện Công an thành phố Hà Nội, Đại diện các Doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe buýt.
![](/Uploads/Image/NewsAndEvents/2012/ATGT%20Bus.JPG)
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cho biết: “Năm 2011, xe buýt Hà Nội hoạt động với nhiều định hướng quan trọng. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, năm đầu thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông 5 năm giai đoạn 2011 – 2015. Trong năm, UBND thành phố triển trai nhiều nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý về giao thông đô thị, trong đó có nhiệm vụ: tổ chức khai thác tốt hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình giao thông, tăng cường quản lý đô thị, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc và đảm bảo trật tự ATGT…”
Kết quả hoạt động xe buýt 2011: làm tốt vai trò vận tải hành khách công cộng
Kết quả trong năm 2011 cho thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thì xe buýt Hà Nội tiếp tục có nhiều cải thiện, phát triển đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo trật tự ATGT thành phố.
Xe buýt Hà Nội đã thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng số người sử dụng xe buýt, góp phần giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Năm 2011 xe buýt đã vận chuyển 446,7 triệu lượt hành khách (tăng 2,5 % so với 2010).
Tiếp tục điều chỉnh và phát triển luồng tuyến xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành và mở rộng vùng phục vụ: tổ chức điều chỉnh 46 lần cho 30 tuyến phục vụ tổ chức giao thông, giảm ùn tắc, hợp lý hóa lộ trình và mở rộng thêm vùng phục vụ ra các quận huyện ngoại thành Phúc Thọ, Gia Lâm. Tổ chức thêm 12 tuyến buýt không trợ giá phục vụ địa bàn các quận, huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Nâng tổng số tuyến từ 79 của năm 2010 lên thành 84 chuyến năm 2011.
Cải thiện và phát triển hạ tầng đảm bảo thuận tiện cho vận hành xe buýt và an toàn cho hành khách, giảm ùn tắc giao thông. Trong năm đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh 4.854 lần cho các pano, biển báo. Sơn kẻ 600 vị trí điểm dừng xe buýt, phát triển mới 270 điểm dừng đỗ, 12 điểm đầu cuối, thay mới 14 nhà chờ. Đến hết năm 2011: toàn mạng lưới xe buýt có 1.700 điểm dừng đón trả khách, 292 nhà chờ, 68 pano, 62 điểm đầu cuối, 2 điểm trung chuyển.
Đồng thời cũng tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát để cải thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo tốt ATGT và quản lý tốt nguồn trợ giá. Trong năm 2011 đã kiểm tra giám sát 644.257 lượt xe (chiếm 17 % lượt xe kế hoạch và tăng 53% so với 2010). Qua kiểm tra giám sát đã lập 2512 biên bản về vi phạm quy định hoạt động xe buýt (tăng 47% so với 2010). Số tiền thu từ xử phạt vi phạm quy định hoạt động xe buýt là trên 200 triệu (tăng 32% so với 2010).
Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn về văn hóa giao thông và đảm bảo trật tự ATGT xe buýt. Năm 2011 sở GTVT đã tổ chức tập huấn 2 đợt cho 1.000 lái xe và nhân viên phục vụ xe buýt.
Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của vận tải công cộng và xây dựng nếp sống văn minh xe buýt, đảm bảo trật tự ATGT…
Như vậy, trong năm 2011 hoạt động VTHKCC bằng xe buýt đã khắc phục khó khăn để thực hiện tốt vai trò của mình.
Kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT xe buýt 2012
Năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt ở thủ đô giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020, là năm ATGT với chủ đề “thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”.
Do đó, kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT xe buýt 2012 cũng được định hướng như sau:
Thứ nhất: hoàn thành tốt các chỉ tiêu 2012, tiếp tục tăng số người đi xe buýt, góp phần giảm số người sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Phấn đấu đạt vận chuyển 460 triệu lượt khách (tăng 3% so với 2011).
Thứ hai: tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm thin 2012. Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm tra giám sát, và tổ chức tập huấn ATGT cho lái xe và nhân viên xe buýt. Bố trí 68 xe buýt trực dự phòng để tăng cường giải tỏa hành khách trước và sau tết, tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp gồm thanh tra GTVT, trung tâm quản lý và điều hành GTĐT, trung tâm đăng kiểm tập trung kiểm tra chất lượng phương tiện và xử lý các vi phạm về chiếm dụng hạ tầng xe buýt, xây dựng kế hoạch vận hành bố trí lực lượng ứng trực và điều hành trong các ngày cao điểm. Kế hoạch phục vụ từ ngày 20/1/2012 (27 tháng chạp) đến 29/1/2012 (7 tháng giêng).
Thứ ba: triển khai các phương án tổ chức xe buýt phục vụ chương trình điều chỉnh giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tăng tuần suất phục vụ trong khung giờ cao điểm của 17 tuyến trên 5 trục chính có nhu cầu sử dụng cao (QL6, QL32, QL1A cũ, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng) sáng từ 6 – 9 giờ (tăng 1 giờ), chiều từ 16 giờ 30 – 19 giờ 30 (tăng 1 giờ), tăng lượt phục vụ của 6 tuyến buýt nhanh (02, 16, 39, 28, 27, 32) với 37 lượt/ngày, tổ chức thêm tuyến xe buýt nhanh trên 6 tuyến khi phát sinh nhu cầu (01, 19, 20,22,34,38) với 97 lượt/ngày.
Thứ tư: tổ chức phục vụ phương án phố đi bộ tạo điều kiện cho khách tiếp cận thuận lợi khu vực bờ Hồ và phố cổ. Điều chỉnh lộ trình ra khỏi khu vực bờ Hồ (6 tuyến 09,14,08,31,36,02), điều chỉnh lộ trình ra khỏi khu vực phố cổ (6 tuyến 18, 23,11,40,34,35), điều chỉnh đầu cuối ra khỏi khu vực bờ Hồ (2 tuyến 09, 14).
Thứ năm: tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới.
Thứ sáu: cải thiện và phát triển hạ tầng: tiếp tục rà soát hợp lý hóa các điểm dừng đỗ đảm bảo thuận lợi, an toàn cho khách đi xe. Phát triển thêm 100 nhà chờ, thay mới 124 nhà chờ cũ. Cải tạo xây dựng 4 điểm trung chuyển mới: Nam Thăng Long, Sóc Sơn, Nhổn, Hoàng Quốc Việt.
Thứ bảy: tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát.
Thứ tám: tiếp tục công tác đào tạo tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ chín: công tác thông tin tuyên truyền. Phối hợp với Ban ATGT thành phố tiếp tục xuất bản và cung cấp cho khách đi xe buýt các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về hoạt động xe buýt, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà tài trợ triển khai kế hoạch tuyên truyền về ATGT và văn minh xe buýt. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh và hoạt động xe buýt.
Với những phương án trên , kế hoạch đảm bảo ATGT xe buýt 2012 chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Đinh Liên