Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát Cảng Container quốc tế Cái Mép (CMIT)
Cảng CMIT là một trong số những cảng nước sâu tự nhiên có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, có thể đón tàu lên đến 200.000 tấn ra vào Cảng. Đây là cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và Tập đoàn APM Terminals – tập đoàn khai thác cảng container hàng đầu thế giới, thành viên tập đoàn A.P Moller-Maesk của Đan Mạch.
Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo công ty cho biết, năm 2016, tổng sản lượng thông qua cảng (bao gồm sản lượng tàu mẹ và sà lan) đạt trên 1,2 triệu TEU (đơn vị đo của hàng hóa tương đương với một container tiêu chuẩn, vào khoảng 39 m³ thể tích), cảng khai thác đạt công suất thiết kế. Cảng tiếp nhận làm hàng cho 497 chuyến tàu (tàu mẹ tuyến xa và tàu nội địa). Doanh thu của cảng năm 2016 đạt 22,64 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu của năm 2017, CMIT đã tiếp nhận làm hàng cho 187 chuyến tàu (tàu mẹ tuyến xa và tàu nội địa). Tổng sản lượng thông qua cầu cảng đạt 46,63% so với kế hoạch của năm 2017 (1,3 triệu TEUs) và tương đương 107,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Cảng trong 6 tháng đầu năm là 11,4 triệu USD, đạt 103% so với kế hoạch đề ra. Hiện có 10 nước trung chuyển hàng hóa qua Cảng.
Thủ tướng nghe báo cáo về quy hoạch và định hướng phát triển Cảng
Đặc biệt, vào tháng 2 năm nay, CMIT đã tổ chức đón thành công siêu tàu container Margrethe Maersk có trọng tải 194.000 tấn với sức chở 18.300 TEU cập cảng. Đây là tàu container lớn nhất cập cảng Việt Nam từ trước đến nay và CMIT cũng trở thành 1 trong 19 cảng trên thế giới có thể đón được tàu cỡ này. Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của mình cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra; đồng thời chứng tỏ năng lực có thể trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, nhất là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo CMIT kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư, nạo vét sâu hơn luồng lạch khu vực cầu cảng để có thể đón những tàu lớn hơn; đặc biệt, sớm đầu tư kết nối giao thông từ CMIT đến các vùng kinh tế trọng điểm để phát huy hiệu quả hơn thế mạnh của cảng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế phía Nam và cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Cảng. Thủ tướng cho rằng, đây là cố gắng lớn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này, trong đó có việc cảng đón tàu container trọng tải gần 200.000 tấn. Doanh thu, sản lượng bốc dỡ hàng năm tăng khá cao.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo công ty cải cách, rút ngắn các thủ tục và thời gian, đẩy nhanh việc thông quan và trung chuyển hàng hóa qua cảng theo tinh thần một cửa, qua đó khẳng định Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa. Cùng với đó là quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng để cảng có khả năng bốc dỡ nhanh, nâng cao năng suất lao động.
Thủ tướng tham quan phòng điều hành Cảng
Nhấn mạnh cảng biển, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, Thủ tướng mong muốn cán bộ, nhân viên Cảng cố gắng hơn nữa, đồng thời đề nghị CMIT chú ý vấn đề quản lý an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng cảng tiên tiến về mọi mặt để cảng CMIT trở thành cảng nổi tiếng của Việt Nam, sánh ngang bằng với các cảng trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cho biết, chuyến thăm, thị sát cảng để tìm hiểu thêm tình hình thực tế, lắng nghe thêm ý kiến để cùng với nghiên cứu, tham mưu của các bộ, ngành chức năng và của Bộ Giao thông vận tải, từ đó có chỉ đạo xử lý các vấn đề đặt ra một cách hợp lý. Về một số kiến nghị của Công ty, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo công ty báo cáo lãnh đạo chính quyền địa phương và các bộ ngành để có hướng xử lý.