Doanh nghiệp đến với Tây Nguyên bằng những dự án thiết thực, hiệu quả

Thứ hai, 07/09/2009 06:20 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng: Tài nguyên đất đai phì nhiêu, nguồn khoáng sản dồi dào, các cấp chính quyền và nhân dân năng động, thân thiện với doanh nghiệp, sự ổn định về an ninh-chính trị và trật tự an toàn xã hội… là tiền đề cơ bản đem lại hiệu quả đầu tư to lớn cho Tây Nguyên.
Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009 tổ chức tại Đắk Lắk ngày 5/9. Các đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 5 tỉnh Tây Nguyên đồng chủ trì diễn đàn.
 
Dự Diễn đàn có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quan khách quốc tế.
 
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ, chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển Tây Nguyên nhanh chóng trở thành vùng kinh tế, du lịch trọng điểm của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, có bước phát triển vượt bậc về văn hóa, xã hội là nhiệm vụ chung của cả nước, trong đó trước hết là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.
 
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kêu gọi, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hãy thể hiện tình cảm đối với Tây Nguyên bằng sự quan tâm đầu tư, triển khai những dự án cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
 
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; chủ động sáng tạo trong lao động, sản xuất; kết hợp hiệu quả những nguồn lực khác của địa phương để phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên.
 
Đảng, Nhà nước, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, vì lợi ích chung của doanh nghiệp, người lao động và lợi ích quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ.
 
Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra
 
 Thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên phát triển với những bước chuyển biến căn bản trong nhiều lĩnh vực. Năm 2008, GDP toàn vùng tăng 14%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,34 triệu đồng (vượt mức mục tiêu đề ra vào năm 2010 là 10,1 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo toàn vùng còn 15,5%, công tác giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều tiến bộ, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện chiếm 27% (cao hơn mục tiêu đề ra là 25%);…
 
Tuy nhiên theo đánh giá tổng thể, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, các tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được đánh thức và khai thác hiệu quả; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá của vùng còn hạn chế; đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải. Đến nay, toàn vùng mới thu hút được trên 1.000 dự án đầu tư trong nước với số vốn gần 128.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu hút vốn FDI thấp (hiện toàn vùng mới có 138 dự án FDI, chiếm 1,3% so với cả nước).
 
“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng Tây Nguyên để xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước, vốn ODA và vốn đầu tư cho các chương trình trọng điểm của vùng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết.
 
Chính quyền địa phương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
 
Tại diễn đàn, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin 2 chiều với các nhà đầu tư; thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới các dự án đầu tư.
 
Lãnh đạo các địa phương cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động hợp tác đầu tư, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp vì lợi ích của các bên, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
 
Tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư của một số dự án lớn, như: Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai-Kom Tum với vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng; Dự án mở rộng chế biến cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk) với tổng vốn đầu tư 735 tỷ đồng; Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng cao su và trồng rừng kinh tế tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) với tổng vốn đầu tư 249 tỷ đồng; Dự án trồng và chăm sóc cao su tại huyện Măng Yang (Gia Lai) với tổng vốn đầu tư 91 tỷ đồng…
 
Qua diễn đàn, các nhà đầu tư cam kết dành cho Tây Nguyên 20 dự án với số vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng, đầu tư vào các lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, cao su, thuỷ điện, tổ hợp thương mại, khách sạn, bệnh viện… Cũng nhân dịp này, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ đã trao quà an sinh xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên.
Chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)