Sinh viên Trường ĐH GTVT TP. HCM đạt giải Nhất Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”

Thứ ba, 01/08/2023 08:00 GMT+7

Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp Trường Đại học Tài chính-Marketing (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo môi trường chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, các bạn sinh viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, học viện, doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam và quốc tế.

Theo ban tổ chức, hội thảo đã nhận được 67 bài báo cáo của gần 140 tác giả trực tiếp tham dự và gửi về hội thảo. Nội dung chính tham luận tập trung liên quan đến các vấn đề dịch vụ logistics, kinh tế số, chuỗi cung ứng xanh... Trong đó, các tham luận đã nêu bật những cơ hội, thách thức của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ số để phát triển hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Một số tham luận đã đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hậu Covid-19...

TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing

TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing

phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định: “Với tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 16 - 20%, Logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, chi phí Logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 20% GDP năm 2022, trong khi với các nước phát triển chi phí này chỉ chiếm khoảng 10 - 14% (chẳng hạn như Singapore là 9%). Chỉ số này càng cao thì thể hiện trình độ phát triển của ngành Logistics càng thấp”.

Nhóm tác giả vinh dự nhận giải Nhất tại hội thảo

Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực Logistics. Tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực hiện đạt khoảng 7,5% mỗi năm. Mức tăng trưởng nguồn nhân lực này được cho là thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ Logistics, từ 15 - 20% mỗi năm.

Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo và hiện đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực Logistics đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng về ngành Logistics Việt nam và đưa ra các đề xuất, giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực Logistics của Việt Nam; Thông qua đó tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế”, TS. Lê Trung Đạo nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đề tài Xu hướng kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và thách thức cho ngành logistics Việt Nam của nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh là Nguyễn Tấn Thành (Lớp KX20D) và Trần Ngọc Anh (Lớp QC22CLCA) được lựa chọn trình bày ở phần thi tiểu ban “Quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa hoạt động Logistics Việt Nam” – xuất sắc đạt giải Nhất. Đề tài sau chỉnh sửa sẽ được công bố trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học có chỉ số ISBN; được hỗ trợ phản biện và ưu tiên chính sách công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing (Chỉ số xuất bản ISSN 1859 - 3690) được tính điểm công trình khoa học theo danh mục tạp chí khoa học, được tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước hoặc Chuyên san Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (ISSN 2354 - 1105) thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ.

 

Nhóm sinh viên chia sẻ: “Đề tài Xu hướng kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và thách thức cho ngành logistics Việt Nam nhấn mạnh vào việc ngành logistics Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức trong nền kinh tế tuần hoàn cũng như phân tích những cơ hội, thách thức này nhằm góp phần tìm ra các giải pháp tiến bộ hiệu quả. Với mục tiêu phát triển ngành gắn liền với lợi ích về môi trường, Kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững." 

P.V

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)