Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Hậu Giang: Cảnh báo nguy hiểm những chuyến đò không an toàn

Thứ năm, 10/10/2013 00:00 GMT+7
Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra các bến đò ngang đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các chủ phương tiện vi phạm.
Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra các bến đò ngang đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các chủ phương tiện vi phạm.

Kiểm tra tại 2 bến đò ngang ven tuyến Tỉnh lộ 927, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đoàn phát hiện các bến đò hoạt động trong tình trạng không bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ bến đò ngang ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Qua đợt kiểm tra lần này, tôi sẽ khắc phục triệt để những thiếu sót, trang bị đầy đủ các phương tiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phục vụ bà con được tốt hơn”.

Bến đò ngang tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cũng có rất nhiều học sinh qua lại, nhưng chủ phương tiện chưa trang bị đầy đủ các thiết bị như đèn tín hiệu, phao cứu sinh không đảm bảo an toàn. Anh Võ Thanh Sơn, chủ đò ngang ở thị trấn Cây Dương, phân bua: “Khi học sinh xuống đò nhiều, tôi sẽ chặn lại, đưa khoảng 15-20 em chứ không đưa nhiều”.

Mạng lưới giao thông đường thủy ở Hậu Giang có 6 tuyến do Trung ương quản lý, tổng chiều dài 96km; có 11 tuyến do tỉnh quản lý, chiều dài 238km và huyện quản lý 30 tuyến, chiều dài 363km. Trên địa bàn tỉnh có 442 bến đò hoạt động, trong đó có 249 phương tiện đò máy hoạt động có phép, 193 phương tiện đò chèo hoạt động tự phát. Hai bến đò trên chỉ là một trong nhiều bến đò ngang chưa đảm bảo an toàn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đáng quan tâm hơn là số phương tiện tự phát, không được cấp phép hoạt động vẫn ngày đêm đưa khách qua sông.

Giao thông đường thủy hiện đang tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Hậu Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều điểm nước chảy xiết, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Ông Võ Hoàng Khải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết: “Theo quy định của UBND tỉnh, thì chỉ cấp phép cho những bến đò đủ điều kiện an toàn, các phương tiện phải được đăng kiểm, đăng ký theo quy định. Những bến đò chèo trên địa bàn tỉnh thì Sở Giao thông Vận tải tỉnh và các địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động. Nếu chủ các phương tiện không chấp hành, thì chúng tôi sẽ kéo các phương tiện trên đến nơi tạm giữ, sau đó tiếp tục tuyên truyền, vận động, giáo dục các chủ phương tiện còn lại phải chấp hành”.

Không chỉ có các bến đò ngang tiềm ẩn rủi ro tai nạn, mà các phương tiện vận tải thủy hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng vi phạm - chở quá tải trọng. 9 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 1 người chết. Điều đáng nói là ngoài các nguyên nhân khách quan, như thiên tai, sự cố kỹ thuật phương tiện, thì phần lớn các vụ tai nạn, va chạm xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện, như điều khiển vào ban đêm không có đèn tín hiệu, chở quá trọng tải, tránh vượt không an toàn. Thượng tá Đỗ Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh, đánh giá: “Chúng tôi đã quay vòng kiểm tra 2-3 lần rồi, có một số chủ phương tiện quan tâm trang bị đầy đủ thiết bị theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhưng cũng còn một số ít chấp hành chưa tốt”.

Theo kế hoạch, tới đây, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, cương quyết xử lý những vi phạm; đình chỉ các phương tiện hoạt động không bảo đảm an toàn, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn: Báo Hậu Giang
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)