Chủ nhật, ngày 02/02/2025

Công bố kết quả thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội

Thứ ba, 10/01/2012 00:00 GMT+7
Chiều 9/1, Thi hành quyết định số 2524/QĐ-BGTVT ngày 3/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã công bố kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội. Hàng loạt tồn tại của loại hình kinh doanh này đã được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra.

Chiều 9/1, Thi hành quyết định số 2524/QĐ-BGTVT ngày 3/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã công bố kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội. Hàng loạt tồn tại của loại hình kinh doanh này đã được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra.

Đoàn thanh tra của Bộ GTVT do thanh tra Bộ chủ trì, cùng các thành viên thuộc các cơ quan: Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cục đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải HN, đã tiến hành thanh tra tại 12 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố HN gồn: Công ty cổ phần dịch vụ taxi ABC, công ty cổ phần Ba Sao, Hợp tác xã vận tải Nội Bài, công ty cổ phần Thanh Nga, Công ty cổ phần Hoàng Minh Dũng, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Phú Gia, Công ty cổ phần Anh Dũng, Công ty TNHH hàng hóa Việt Nam, Công ty TNHH thương mại và đầu tư PT Lê Gia , công ty cổ phần Hùng Hải Khuê.

Nhiều doanh nghiệp mắc sai phạm

Đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì đã tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp (DN) về 9 nội dung của hoạt động kinh doanh vận tải taxi. Qua thanh tra, Đoàn thanh tra của Bộ GTVT đã kết luận: Các doanh nghiệp mắc một số vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, gây ảnh hưởng đến chất lượng vận tải hành khách bằng xe taxi.

Thứ nhất: Về tổ chức, quản lý điều hành của doanh nghiệp

Có 5/12 doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định, đó là: Công ty cổ phần Hùng Hải Khuê, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Phú Gia, Công ty TNHH hàng hóa Việt Nam, Công ty TNHH thương mại và đầu tư PT Lê Gia, công ty cổ phần BG taxi. Trong đó công ty cổ phần Hùng Hải Khuê không có người quản lý điều hành, trung tâm điều hành, các phù hiệu taxi đã hết hạn từ ngày 15/10/2011 và các xe taxi đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho các cổ đông. Tại thời điểm thanh tra công ty có văn bản đề nghị được giải thể hoạt động.

Đa số các doanh nghiệp có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Tuy nhiên, công tyTNHH Thương mại và đầu tư PT Lê Gia không có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Phương án kinh doanh của công ty cổ phần Anh Dũng chưa đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định tại Thông tư 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô.

Công tác tổ chức, quản lý điều hành còn nhiều tồn tại: nhiều doanh nghiệp không có phòng, ban chuyên môn để quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có số lượng xe ít như công ty TNHH Thương mại và đầu tư PT Lê Gia, công ty TNHH hàng hóa Việt Nam có bộ máy điều hành ít người, không thực hiện được công tác kiểm tra nội bộ, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Thứ hai: Trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh

Các doanh nghiệp đều thành lập trung tâm điều hành hoạt động taxi, được cục Tần số cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện còn hiệu lực để điều hành xe taxi.

Thứ ba: Phương tiện và công tác quản lý phương tiện

Công ty cổ phần taxi Hà Nội có 610 xe, Công ty cổ phần Thanh Nga:622 xe, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Phú Gia: 14 xe, Công ty cổ phần Ba Sao:431 xe, công ty TNHH hàng hóa Việt Nam: 14 xe, công ty cổ phần dịch vụ taxi ABC: 403 xe, công ty TNHH thương mại và đầu tư PT Lê Gia: 8 xe, hợp tác xã vận tải Nội Bài: 250 xe, Công ty cổ phần BG Taxi: 54 xe, Công ty cổ phần Hoàng Minh Dũng: 117 xe, công ty cổ phần Anh Dũng: 29 xe.

Điều kiện hoạt động của một số doanh nghiệp chưa được đảm bảo, một số xe có bộ đàm nhưng không hoạt động được, một xe hết hạn đăng kiểm, một số xe không có giấy chứng nhận kiểm định đồng hồ taximet, một số xe hết hạn phù hiệu xe.

Việc đăng kí màu sơn của một số hãng chưa thực hiện thống nhất một màu sơn xe theo quy định tại Thông tư 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/06/2010 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Thứ tư: công tác quản lý, sử dụng lái xe taxi:

Đoàn thanh tra đã kiểm tra số lượng lái xe taxi, hợp đồng lao động với xe taxi, bố trí thời gian lao động cho các lái xe taxi, đồng phục và trang bị khác cho lái xe…

Thứ năm: chất lượng dịch vụ

Tất cả các doanh nghiệp đều đã đăng kí chất lượng dịch vụ bằng văn bản với Sở GTVT HN. Tuy nhiên, bản đăng kí chất lượng dịch vụ của 5/12 doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đủ nội dung theo thông tư 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/06/2010 của Bộ GTVT.

Thứ sáu: Công tác theo dõi về ANGT

Đa số các doanh nghiệp còn lại chưa có giấy tờ, hóa đơn chứng minh việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên hoặc đột xuất của các phương tiện, không có sổ kiểm tra kỹ thuật hoặc các giấy tờ khác chứng minh các phương tiện đầy đủ điều kiện trước khi đưa xe vào khai thác.

Các doanh nghiệp có thành lập bộ phận theo dõi ATGT tuy nhiên còn hoạt động kiêm nhiệm, sổ theo dõi về vi phạm, xử lý vi phạm của lái xe hoặc không có, hoặc ghi chép sơ sài, thiếu nội dung.

Thứ bảy: Bãi đỗ xe, điểm giao ca

Qua thanh tra, một số doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép trông giữ của phương tiện của đơn vị cho thuê địa điểm, hoặc hợp đồng chỉ có thể đảm bảo một phần nhỏ xe của công ty có thể đỗ, giao ca. Một số bãi đỗ xe, giao ca của các doanh nghiệp không có phương án phòng cháy, chữa cháy được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tám: Khai, niêm yết giá cước và công tác tài chính khác

Đa số các doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, đăng ký giá cước và niêm yết công khai. Một số hãng chưa thực hiện kê khai, đăng ký giá cước theo quy định hoặc đã thực hiện kê khai đăng kí nhưng chưa được Sở tài chính vật giá Hà Nội chấp thuận. Một số doanh nghiệp khác chưa thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động.

Thứ chín: Công tác kiểm tra nội bộ của doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp đã thực hiện tương đối tốt công tác này, điển hình là Hợp tác xã vận tải Nội Bài đã quy định các hành vi bị cấm và chế tài xử lý vi phạm được đại hội xã viên thông qua, có ban kiểm soát, danh sách cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra, kiểm soát nội dung doanh nghiệp. Sử dụng thiết bị định vị để kiểm tra lái xe và kiểm soát xe, chống gian lận giá cước, có lưu biên bản xử lý lái xe vi phạm, có sổ sách thống kê, theo dõi vi phạm và kiểm tra nội bộ.

Ngoài ra, công tác xử lý khiếu nại và phản hồi của khách hàng về chất lượng dịch vụ xe một số hãng taxi cũng thực hiện tương đối tốt.

Đóng cửa một số doanh nghiệp tái phạm nhiều lần

Ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, kiêm trưởng đoàn thanh tra cho biết: “Với các hãng taxi Hà Nội, tôi nhấn mạnh đây mới là thanh tra đợt 1, đối với các hãng khác chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra trong các đợt tiếp theo vào năm 2012. Vì thực tế qua thanh tra 12 hãng, thì chúng tôi đã phải dừng 6 hãng, có những hãng khác chúng tôi chưa thanh tra, nhưng có thể họ còn kém hơn những hãng mà chúng tôi đã dừng, chúng tôi sẽ thanh tra tiếp trong năm 2012 tất cả các hãng chứ chưa dừng lại”.

Ông cho biết thêm: Với các hãng taxi yếu kém trước mắt sẽ là đình chỉ, sau đấy Sở GTVT sẽ ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi tem, tất cả những xe taxi của những hãng này sẽ rút giấy phép hoạt động trên toàn địa bàn thành phố, nếu phát hiện ra còn hoạt động trên toàn địa bàn thành phố sẽ bị dừng và phạt theo quy định. 

Lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông nếu phát hiện các xe của các hãng này còn hoạt động sẽ thu hồi giấy phép lái xe, tạm giữ xe theo quy định. Thời gian qua, một số hãng quản lý không tốt, nên tự làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của taxi, cái này không thể để kéo dài được nữa, còn ảnh hưởng chúng đến những vấn đề khác như hình ảnh thủ đô, du lịch… Không thể để xảy ra những trường hợp đánh khách chảy máu đầu như ở TP. HCM.

Cũng trả lời về vấn đề trên , ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, kiêm phó trưởng đoàn thanh tra khẳng định: “Qua các đợt kiểm tra, đoàn đã kiểm tra 12 doanh nghiệp và HTX kinh doanh taxi trên địa bàn Thành phố Hà Nội, việc kiểm tra này là thường kỳ, không có nghĩa là không phải đã làm rồi là không làm nữa, mà trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện ra những vấn đề trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, là có thể tiến hành thanh kiểm tra, vì vừa rồi có ý kiến là năm nào cũng thanh tra, năm nào cũng hỏi, thậm chí có doanh nghiệp năm qua thanh tra đến hai lần.

Bộ trưởng mới về đã nhìn nhận vấn đề và yêu cầu thanh tra vào các doanh nghiệp, Chắc chắn chúng tôi sẽ đóng của một số doanh nghiệp trong danh sách này, vì có doanh nghiệp có những vi phạm tái phạm nhiều lần, nghiêm trọng, sẽ kiến nghị đóng cửa. Mục tiêu là các doanh nghiệp hoạt động theo luật, các quy định kinh doanh, nhưng phải có định hướng, theo quy hoạch phát triển chứ không thể manh mún, 5-7 xe cũng thành lập doanh nghiệp hoạt động taxi.

Chúng tôi đang báo cáo với Thành phố, Bộ GTVT, Chính phủ sửa Nghị định 91, quy định như thế nào mới được thành lập doanh nghiệp taxi, theo hướng đảm bảo các doanh nghiệp phải đủ khỏe, khi mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào còn cạnh tranh được. Doanh nghiệp nào có thắc mắc có thể làm văn bản gửi Sở GTVT, Bộ GTVT, chúng tôi sẽ căn cứ vào đấy xin ý kiến lãnh đạo Bộ để đưa quyết định cuối cùng”.

Đinh Liên
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)