Chủ nhật, ngày 02/02/2025

Hậu Giang: Xây dựng giao thông nông thôn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, 29/06/2011 00:00 GMT+7
Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị năm 2011 kết thúc với hàng trăm kí-lô-mét đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa. Điểm mới trong chiến dịch là phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay thực hiện.
Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị năm 2011 kết thúc với hàng trăm kí-lô-mét đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa. Điểm mới trong chiến dịch là phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay thực hiện.


* Từ nhận thức đúng
Bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông theo mục tiêu Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, trước khi triển khai thực hiện, Ban chỉ huy chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị năm 2011 định hướng mục tiêu xây dựng giao thông là cần phải có quy hoạch rõ ràng, ổn định, phù hợp với mạng lưới giao thông tổng thể của từng địa phương. Năm 2011 phải cơ bản xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, tập trung cho các ấp nghèo để có đường bê tông, nhựa, đá cấp phối bảo đảm xe hai bánh lưu thông thông suốt. Mặt khác, còn tập trung xây dựng, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 2,5 đến 3,5m, cầu có tải trọng trên 5 tấn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Theo Ban chỉ huy chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị, bước đầu triển khai thực hiện, các địa phương gặp nhiều khó khăn so với các năm trước về cơ chế, chính sách mới trong quá trình đầu tư xây dựng ban hành còn thiếu tính đồng bộ; nguồn vốn hỗ trợ có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, tình hình hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đặc biệt là đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát trong cả nước đã làm tăng mức đầu tư xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công. Tuy nhiên, nhờ xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu, trong đó có sự chỉ đạo sát sao, uốn nắn kịp thời của tỉnh, sự ủng hộ của các sở, ban ngành liên quan, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân nên các tuyến đường ở các địa phương hoàn thành đúng tiến độ.
Trong thời gian thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 151 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 252km, đạt hơn 160% kế hoạch. Trong đó, mô hình xây dựng các tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 2,5-3,5m được trên 187km, chiếm trên 71% khối lượng công trình, góp phần đáp ứng được các yêu cầu trong tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Cũng theo Ban chỉ huy chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị, các công trình trong chiến dịch được kiểm tra, nghiệm thu từng hạng mục công trình về chất lượng, chiều dài, quy mô mặt cắt ngang đều đạt yêu cầu theo khuyến cáo xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, bảo đảm điều kiện đi lại và giao thương hàng hóa trước mắt, cũng như lâu dài.
* Đến cách làm hay
Xác định mục tiêu xây dựng giao thông đáp ứng theo nhu cầu xây dựng nông thôn mới, trong 2011, phần lớn các địa phương đều quan tâm xây dựng các tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 2,5 đến 3,5m. Đồng thời, cao trình các tuyến đường cao hơn mực nước đỉnh lũ năm 2000 là 0,5m, nhằm đảm bảo trong mùa mưa lũ không bị ngập. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương còn vận dụng linh hoạt giải pháp xã hội hóa phong trào xây dựng giao thông nông thôn thông qua công tác vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng từ nhân dân, mạnh thường quân. Điển hình là TX.Ngã Bảy xây dựng tuyến đường lộ kênh Năm Ngài, ở ấp Long An A, xã Đại Thành với chiều dài 2,5km, mặt đường rộng 2,5m, kinh phí thực hiện trên 1,8 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 630 triệu đồng. Huyện Châu Thành A xây dựng tuyến đường kênh Tiểu Đoàn, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây với chiều dài 1,8km, mặt đường rộng 2,5m, tổng kinh phí thực hiện trên 1,5 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp một nửa nguồn kinh phí xây dựng. Chưa kể là phần cầu xây dựng có quy mô, kết cấu cao hơn so với các năm trước. Thậm chí có những cây cầu được xây dựng với mặt cầu rộng 3,5m, tải trọng 8 tấn, nhất là những cây cầu được xây dựng bằng nguồn vốn huy động từ các mạnh thường quân. Chẳng hạn như cầu Kênh Chợ, ở ấp Hòa Phụng B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp dài 40m, rộng 3,5m, kinh phí xây dựng 1,1 tỉ đồng, trong đó Nhà nước chỉ đầu tư 250 triệu đồng. Tổng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cầu, đường trong chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô là 286,638 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 150,289 tỉ đồng, chiếm trên 52%, còn lại huy động từ sự đóng góp của nhân dân.
Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị 2011 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, trở ngại về nguồn vốn đầu tư xây dựng bước đầu, nhưng các địa phương đã nỗ lực vượt qua và quyết tâm thực hiện hoàn thành chiến dịch, góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đặc biệt, chiến dịch năm nay đã tạo ra được những điểm sáng, điểm mới trong quá trình đầu tư xây dựng giao thông nông thôn. Đó là cách thức vận động nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng giao thông nông thôn ở huyện Phụng Hiệp không chỉ có nhân dân, mà còn có sự tham gia đóng góp mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài huyện, cũng như cách thức đầu tư xây dựng hệ thống cầu, đường đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới…
Trungna (theo baohaugiang)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)