Chủ nhật, ngày 02/02/2025

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT: Vì còn nhiều bất cập

Thứ năm, 09/12/2010 00:00 GMT+7

Sau 8 tháng thực hiện, Nghị định 34 đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu TNGT và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT đối với người dân. Thế nhưng văn bản này cũng đã bộc lộ khá nhiều bất cập.

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT:

Vì còn nhiều bất cập

Sau 8 tháng thực hiện, Nghị định 34 đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu TNGT và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT đối với người dân. Thế nhưng văn bản này cũng đã bộc lộ khá nhiều bất cập.

Còn nhiều “lỗ hổng”

Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ TNGT thương tâm xảy ra trên đường Kha Vạn Cân, TP Hồ Chí Minh ngày 14-6-2010 khiến bé gái 2 tuổi tử nạn tại chỗ. Nguyên nhân vụ TNGT này được xác định là do chiếc xe bồn bất ngờ sử dụng còi hơi làm hai mẹ con cháu bé đi xe máy phía trước giật mình ngã ra đường và bị chính xe ô tô cán qua người.

Khá nhiều người vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vì lý do “nhà ngay gần đây”

 Nhiều vụ TNGT liên quan đến xe ô tô khách trong thời gian qua cũng cho thấy, nếu có dụng cụ thoát hiểm thì chắc chắn sẽ giảm được số người chết và thương vong. Tuy nhiên, Nghị định 34 cho thấy còn “hổng” khá nhiều quy định và chế tài xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm. Chẳng hạn với hành vi sử dụng còi sai quy cách chỉ bị xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng. Đối với phương tiện không có dụng cụ thoát hiểm (theo thiết kế) hoặc không có thiết bị cứu hỏa thì không hề được quy định và càng không có chế tài xử phạt…

Nhận xét Nghị định 34, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng vẫn còn tồn tại khá nhiều điểm bất hợp lý. Đó là một số hành vi vi phạm, ngoài bị phạt tiền, bị tước GPLX 60 ngày còn phải học và kiểm tra lại Luật GTĐB trước khi được giải quyết nhận lại GPLX. Điều này đồng nghĩa với một hành vi vi phạm phải chịu tới 3 chế tài. Hay như Điều 19 của Nghị định quy định chỉ xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông là chưa thỏa đáng.

Bởi lẽ, ô tô là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, nếu để phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật lưu thông thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao xe cũng phải bị xử phạt. Quy định như vậy càng có ý nghĩa và đảm bảo tính chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô. Cũng theo ông Hùng, mặc dù Nghị định 34 đã hạn chế việc tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng hiện vẫn còn khá nhiều hành vi bị áp dụng hình thức xử lý này. Trong thực tế việc này đã gây ra sự lãng phí không chỉ đối với người vi phạm mà còn là sự lãng phí tiền của của Nhà nước và ảnh hưởng đến cung cầu của hoạt động vận tải.

 Vị đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam này đề nghị chỉ nên tạm giữ phương tiện trong hai trường hợp là gây TNGT và không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Về quy trình xử phạt người vi phạm cũng nên quy định rõ theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo sự thuận tiện cho người dân. Chẳng hạn, người ở Hà Nội vi phạm Luật Giao thông tại Đà Nẵng, khi đến thời hạn có thể nộp phạt ngay tại Hà Nội mà không cần phải trở lại nơi vi phạm để giải quyết vụ việc…    

Tăng mức chế tài

Bộ GTVT vừa tổ chức họp ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 để thống nhất những nội dung sửa đổi trình Chính phủ phê duyệt. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 19; bổ sung điểm d, khoản 4, Điều 19; sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 3, Điều 36; sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, Điều 57 và bổ sung khoản 7, Điều 57.

Theo đó, hành vi điều khiển xe không có dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng; điều khiển xe lắp còi có âm lượng vượt quá âm lượng quy định bị phạt từ 2  - 3 triệu đồng; phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi chở hàng vượt quá khổ giới hạn cầu, đường nhưng không có giấy phép lưu hành hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu đường ghi trong giấy phép lưu hành. Người điều khiển xe ô tô đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc không có bằng FC bị xử phạt kể từ 1-7-2011.

Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại điểm g, khoản 1, Điều 8; điểm h, khoản 2, Điều 10 Nghị định này, đặt báo hiệu nguy hiểm không đúng quy định; người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 26; điểm d, khoản 3, Điều 27, trong trường hợp điều khiển xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải bị xử phạt kể từ 1-7-2012.

 

Theo ANTD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)