Thứ hai, ngày 03/02/2025

Thí điểm xử phạt bằng hình ảnh trên Quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân – Ninh Bình:Kiểm soát hiệu quả, tai nạn giảm

Thứ tư, 21/07/2010 00:00 GMT+7

Qua 2 năm sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh trên  tuyến Quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân – Ninh Bình đã giảm 43 vụ tai nạn giao thông (23,2%), 60 người chết (29,2%) và 18 người bị thương (19,6%). Việc triển khai lắp đặt và đưa hệ thống giám sát vào hoạt động đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông. Lái xe ô tô chấp hành tốt hơn quy định về tốc độ, làn đường, phần đường.

Qua 2 năm sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh trên  tuyến Quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân – Ninh Bình đã giảm 43 vụ tai nạn giao thông (23,2%), 60 người chết (29,2%) và 18 người bị thương (19,6%). Việc triển khai lắp đặt và đưa hệ thống giám sát vào hoạt động đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông. Lái xe ô tô chấp hành tốt hơn quy định về tốc độ, làn đường, phần đường.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, Bộ Công an, từ ngày 1-6-2008 đến 31-5-2010, qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 20.664 trường hợp vi phạm, trong đó có 9.884 xe khách (47%), 6.920 xe con (33,5%) và 3.860 xe tải (28,4%). Phân tích lỗi vi phạm cho thấy, nhiều nhất là xe ôtô chạy quá tốc độ (56,4%), tiếp đến là đi không đúng phần đường, làn đường (40%). Trong số 328 trường hợp thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, có 188 trường hợp người vi phạm (62%) đến cơ quan CSGT làm thủ tục xử phạt. Ngoài ra, thông qua hệ thống giám sát này, CSGT đã phát hiện 2 vụ phạm pháp hình sự, bắt 2 đối tượng trộm cắp ôtô, phát hiện 1 vụ lái xe ôtô gây tai nạn bỏ chạy.
Trong 2 năm qua, Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội) đã phối hợp với Công ty TNHH – Tập đoàn Hải Châu Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống giám sát gồm: Ca-mê-ra, máy đo tốc độ ghi hình, đường truyền, cân tải trọng tự động tại Trạm thu phí nam Cầu Giẽ, các ca-mê-ra giám sát toàn cảnh và ca-mê-ra nhận dạng biển số, các máy tính cài đặt phần mềm hệ thống giám sát, máy in màu, máy nhận dạng biển số xe… cùng 20 mô hình mô phỏng máy đo tốc độ được lắp đặt trên đoạn tuyến dài 104km. Các thiết bị này chủ yếu phục vụ giám sát 5 loại hành vi của các phương tiện giao thông đường bộ như: Lưu thông không đúng phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ quy định; không chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy giao thông; kiểm soát tải trọng xe; nhận dạng biển số xe vi phạm để báo cho CSGT dừng xe xử lý theo quy định.
Tại địa bàn Ninh Bình, hai vị trí lắp đặt ca-mê-ra giám sát cũng chính là hai “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) là km 353 và km 256. Trong hai năm 2006 – 2007, tại hai vị trí này xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 6 người. Theo Thượng tá Đinh Công Vinh, Phó giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, từ khi hệ thống giám sát được vận hành đến nay, tại hai “điểm đen” này không xảy ra vụ TNGT nào, lái xe cơ bản tự giác chấp hành đi đúng phần đường, đúng tốc độ và lực lượng CSGT cũng không phải bố trí người làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Có thể nói, hệ thống giám sát đã góp phần “xóa” điểm đen. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động tốt hơn, cần khắc phục hạn chế về chất lượng đường truyền, hình ảnh và nhất là phải triển khai thêm một số điểm lắp đặt máy đo giả và thật, để cảnh báo và tăng khả năng giám sát trên diện rộng. Đại tá Bùi Văn Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật (Bộ Công an) cho rằng, đầu tư hệ thống là cần thiết, nhưng cần có lộ trình và ưu tiên các tuyến xảy ra nhiều TNGT. Cùng với đó, cần hoàn thành quy chuẩn kỹ thuật và tính đến độ tin cậy, ổn định của toàn hệ thống cũng như tăng cường hợp tác học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến đã áp dụng hệ thống này.
Từ kinh nghiệm, kết quả thí điểm xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến Quốc lộ 1A, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đề xuất bộ có Quyết định số 1914/QĐ-BCA(E11) về việc ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ, trong đó quy định mô hình kiến trúc vật lý, yêu cầu về chức năng, công nghệ của hệ thống và mô hình chuẩn của hệ thống. Việc thí điểm cho thấy kết quả tốt, TNGT giảm, vi phạm được giám sát chặt chẽ, từng bước thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát, góp phần xây dựng lực lượng CSGT chính quy, hiện đại. Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thiện mô hình để vận hành, khai thác hệ thống thiết bị một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nghiên cứu triển khai áp dụng ở những tuyến khác trong phạm vi toàn quốc; khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật, tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống ở phạm vi lớn hơn.
Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia: Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng hệ thống giám sát giao thông trên quốc lộ, do vậy cần tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai và thực hiện thí điểm xây dựng hệ thống giám sát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân – Ninh Bình, nhất là về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, về đào tạo cán bộ, tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống… để rút kinh nghiệm triển khai các dự án giám sát giao thông tiếp theo.
Được biết, Bộ Công an đang tích cực hoàn thành việc lập dự án “Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm”. Theo đó, trong quá trình xây dựng, cần chú trọng lựa chọn thiết bị, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của nước ta, vừa có thể ứng dụng được ngay, vừa bảo đảm hoạt động lâu dài, hạn chế yếu tố lạc hậu, lãng phí đầu tư; khẩn trương xây dựng Trung tâm chỉ huy CSGT và các trạm CSGT trên quốc lộ để lắp đặt thiết bị, tổ chức xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường, nhất là các tuyến cao tốc, trong tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ, trong sử dụng hạ tầng cơ sở hiện có để lắp đặt các thiết bị giám sát giao thông nhằm tiết kiệm đầu tư, kết hợp giám sát với tổ chức điều hành giao thông. Các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với ngành công an đẩy mạnh tuyên truyền về việc sử dụng hệ thống giám sát giao thông trên các quốc lộ, nhằm tăng tính cảnh báo, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, giảm tai nạn.
Theo  Báo QĐND
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)