Thứ tư, ngày 05/02/2025

Xe máy, còn đó nỗi lo...

Thứ hai, 09/11/2009 00:00 GMT+7
Ðối với các nước đang phát triển nói chung, tình trạng gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông thường ở mức cao. Nguyên nhân chính là sự "bùng nổ" của các phương tiện cơ giới dẫn đến một số bất cập.

Ðối với các nước đang phát triển nói chung, tình trạng gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông thường ở mức cao. Nguyên nhân chính là sự "bùng nổ" của các phương tiện cơ giới dẫn đến một số bất cập.

Cơ sở hạ tầng giao thông, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, năng lực tổ chức và quản lý giao thông không chuyển kịp, tạo ra sự hụt hẫng nhiều mặt. Ở nước ta, sự bùng nổ phương tiện cơ giới, trước hết là mô-tô, xe máy (gọi chung là xe máy) đã lên đến đỉnh cao, "vấn đề xe máy" trở nên phức tạp, đòi hỏi phải điều chỉnh nhận thức và có giải pháp kịp thời hơn...

Hiện nay, cả nước ta đã có hơn 27 triệu xe máy (bình quân ba người dân/một xe máy, hơn một phần tư số xe máy tập trung ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Không chỉ số lượng lớn, tỷ lệ cao mà đáng quan tâm hơn là xe máy đăng ký mới vẫn tăng  khoảng 10%/năm. Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, thị trường xe máy Việt Nam sẽ bão hòa khi địa bàn nông thôn đạt tỷ lệ bình quân hai đến ba người dân/một xe máy. Với mức tăng như hiện nay, có chuyên gia dự báo: xe máy sẽ đạt tỷ lệ nói trên trong khoảng dăm năm tới, lúc đó mức tiêu thụ mới có thể giảm dần...

Cho đến thời điểm này, không còn ai bàn đến tiện ích của xe máy vì nó đã được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, mặt hạn chế của xe máy và người điều khiển loại phương tiện này vẫn đòi hỏi phải tiếp tục khắc phục kiên quyết hơn. Ðó là: Người đi xe máy dễ bị chấn thương gấp hàng chục lần so với đi ô-tô. Tai nạn liên quan đến xe máy chiếm gần 73% số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, số tuyệt đối khoảng 8.000 người/năm. Xe máy gây ô nhiễm môi trường nặng nề: qua khảo sát ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có hơn 50% số xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải độc hại. Người điều khiển xe máy đã quá lạm dụng tính cơ động cao, phá vỡ quy tắc chạy xe theo làn đường dành riêng cho từng loại phương tiện, làm tăng tai nạn và xáo trộn trật tự giao thông. Ðáng chú ý hơn là số lượng xe máy đang tăng nhanh (có nơi "bùng nổ") trên địa bàn nông thôn, nơi dân trí còn hạn chế và đường sá chất lượng thấp, hoạt động quản lý giao thông lỏng lẻo, tạo nên bất cập lớn, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng TNGT...

Chấp nhận "chung sống với xe máy", một số biện pháp mới đã và đang được triển khai. Cụ thể là: Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người lớn và sắp tới có thể là đối với trẻ em từ sáu tuổi trở lên. TP Hà Nội thực hiện biện pháp hạn chế dòng phương tiện xung đột trực tiếp ở các nút giao thông; riêng việc tách làn phương tiện giao thông, đã làm thí điểm song chưa đạt kết quả mong muốn. Ðề án kiểm soát khí thải xe máy ở các thành phố lớn đang được Bộ Giao thông vận tải dự thảo. Một số dự án vận tải khách công cộng ở đô thị bằng phương tiện bánh sắt đã khởi động...

Theo chúng tôi, cùng với việc thực hiện triệt để các biện pháp nêu trên, cần đặc biệt quan tâm an toàn giao thông (ATGT) xe máy ở nông thôn. Con số thống kê của hầu hết các địa phương, tỷ lệ TNGT trên địa bàn nông thôn ngày càng tăng lên, tuy đã có một vài lời cảnh báo nhưng chưa có đề án tương xứng để ngăn chặn. Phải chăng, ở đây có sự thiếu quan tâm hoặc quan niệm cho rằng "phương tiện tăng thì tránh sao khỏi tai nạn không tăng"?

Nhà nước đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Ở một góc độ khác, đây là một yếu tố kích thích gia tăng số lượng xe máy trên địa bàn nông thôn. Cho nên, đồng hành với chương trình nêu trên, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần xây dựng đề án cụ thể và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT; nâng cao chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; củng cố lực lượng và tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát trên địa bàn huyện, xã. Bài học về tình trạng "bùng nổ" phương tiện cơ giới và "bất cập" nhiều mặt (cơ sở hạ tầng, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, năng lực tổ chức và quản lý giao thông) cần được nhận thức sâu sắc để hành động kịp thời, tránh những hậu quả tương tự lặp lại trên địa bàn nông thôn...

 

Theo Báo ND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)