Thứ năm, ngày 06/02/2025

Chung quanh chiếc xe tự chế, tự dựng

Thứ hai, 17/08/2009 00:00 GMT+7
Theo quy định của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-1-2008 các loại xe tự chế, tự dựng không được phép hoạt động. Nhưng trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nam Ðịnh, loại xe này vẫn lén lút hoạt động, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Theo quy định của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-1-2008 các loại xe tự chế, tự dựng không được phép hoạt động. Nhưng trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nam Ðịnh, loại xe này vẫn lén lút hoạt động, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Ðã gần 6 tháng trôi qua, gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Nam ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ TNGT do xe tự chế gây ra cách đây chưa lâu. Hồi 18 giờ 30 phút ngày 14-3, trên đường 53 địa phận xã Nam Hồng, anh Nam (sinh năm 1983) điều khiển xe máy BKS 18P4-7183 đã va chạm với xe công nông đầu dọc (không có BKS)  chạy ngược chiều do anh Lưu Văn Vinh (sinh năm 1963) ở cùng xã điều khiển. Hậu quả, anh Nam tử vong sau khi đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian qua, tại khu vực đê bao sông Hồng và trên QL 21 chạy qua địa bàn xã Nam Hồng luôn xuất hiện các xe công nông đầu ngang, đầu dọc "tranh thủ" buổi trưa và chiều tối lén lút hoạt động. Qua quan sát của chúng tôi hầu hết đều là xe không có BKS, đã cũ nát, khi chạy gây tiếng động lớn, khói đen từ ống xả xông lên mùi khét lẹt, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi đường.

Còn tại huyện Hải Hậu, số lượng xe tự chế các loại đang hoạt động cầm chừng là 866 chiếc, gây khó khăn cho  công tác bảo đảm an toàn giao thông của địa phương.  Người dân trong huyện còn nhắc nhiều đến hai vụ TNGT nghiêm trọng do xe công nông  gây ra trong năm 2008 ở xã Hải Bắc và Hải Tây làm hai người chết tại chỗ với thái độ lo lắng thật sự. Chúng tôi cũng cảm nhận được điều này trong đợt công tác ở Hải Hậu cuối tháng sáu vừa qua, trên QL 21B qua các xã Hải Tây, Hải Quang, Hải Tân liên tục xuất hiện xe công nông hoạt động còn nguyên BKS  như 18M-0428, 18M-0395, 18M-0464, 18T-2351. Theo thống kê gần đây  của Ban an toàn giao thông tỉnh, địa phương có 3.600 xe tự chế, tự dựng các loại gồm xe công nông đầu ngang; máy kéo đầu dọc hiệu Bông sen; xe ba bánh lắp máy đi-ê-den (còn gọi là xe lam); xe ba bánh đun, đẩy và xe thô sơ loại ba, bốn bánh được nối vào các phương tiện khác để hoạt động.

Các loại xe kể trên đều không có bản vẽ thiết kế theo quy định, chủ yếu làm thủ công từ vật liệu tận dụng dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông là rất lớn. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, số lượng  xe tự chế, tự dựng chuyển đổi sang xe tải nhẹ chưa được nhiều bởi phần lớn số chủ xe đều có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, trước đây chủ yếu dùng xe trong sản xuất nông nghiệp để chở phân bón, mạ ra đồng hoặc thu hoạch lúa về nhà, khi có chủ trương ngừng hoạt động thì hầu hết chủ xe không có nghề nào khác để chuyển đổi.

Theo Thượng tá Nguyễn Vũ Phát, Phó trưởng Công an huyện Hải Hậu, khâu tuyên truyền trong những năm qua được làm ráo riết nên các chủ xe đều biết rõ chủ trương dừng hoạt động của xe tự chế, tự dựng; tuy nhiên giữa nhận thức và ý thức là ranh giới rất mong manh. Ban ngày, chủ xe thường đỗ xe tại trước nhà, không hoạt động, chỉ tranh thủ chạy vào ban đêm, nếu gặp lực lượng chức năng sẵn sàng bỏ chạy, thậm chí phản ứng quyết liệt. Thời gian qua, tại các xã Hải Lộc, Hải Phú, Hải Ninh, thị trấn Yên Ðịnh đã xảy ra năm vụ chủ xe tự chế, tự dựng chống đối người thi hành công vụ. Trung tá Nguyễn Văn Sỹ, đội trưởng đội tuần tra, kiểm soát giao thông, Công an huyện Hải Hậu cho biết thêm: Riêng từ đầu năm tới nay cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đã kiên quyết lập biên bản xử phạt và tịch thu 21 xe tự chế, tự dựng chạy trái phép trên địa bàn.

Nhưng việc xử phạt theo đúng quy định không phải dễ dàng, Cụ thể, tại điểm c, khoản 5, điều 19 của Nghị định 146/2007 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông quy định: Ðối với phương tiện tự chế, tự dựng khi vi phạm, mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, sau đó tiến hành tịch thu phương tiện. Trên thực tế, các phương tiện này đều đã cũ nát, nếu vi phạm, hầu hết chủ xe chấp nhận bỏ xe luôn mà không thực hiện nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước, nếu lực lượng làm nhiệm vụ lập biên bản tịch thu mà không xử phạt thì lại sai luật.

Từ khi quy định cấm xe tự chế, tự dựng được áp dụng, trên thị trường tỉnh Nam Ðịnh xuất hiện loại xe ba bánh nhập khẩu, loại xe này đã được đăng kiểm kỹ thuật và cho đăng ký lưu hành. Mặc dù có đại lý kinh doanh loại xe này nhưng qua tìm hiểu số lượng người mua không nhiều. Nguyên nhân chính là tại Công văn số 183 ngày 12-5-2008 UBND tỉnh  quy định: Loại xe này chỉ được lưu thông ở đường liên thôn, xóm, xã, không được hoạt động ở tỉnh lộ, quốc lộ, nếu ở tỉnh lộ, quốc lộ chỉ được đi qua các đoạn đường giao cắt với đường liên thôn, liên xã; ngoài ra người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe hạng A3.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay không có cơ sở đào tạo giấy phép lái xe hạng A3.

Với những hạn chế nêu trên, Sở Giao thông vận tải  và các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong việc sửa đổi những bất hợp lý trong công văn số 183 ngày 12-5-2008. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Ðịnh cần khẩn trương đẩy nhanh việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông, xe ba, bốn bánh bị đình chỉ tham gia giao thông theo Quyết định số 548/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 122/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính. Ðây là chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người có xe tự chế, tự dựng, giúp họ có điều kiện chuyển sang ngành, nghề khác phù hợp hơn, góp phần ổn định cuộc sống, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Theo Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)