Theo báo cáo của phòng An toàn, an ninh hàng hải(Cục Hàng hải Việt Nam) thì năm 2006 số liệu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ là 40 lượt tàu, năm 2007 là 28 lượt, năm 2008 là 58 lượt tàu và 06 tháng đầu năm 2009 đã là 20 lượt tàu(gần bằng cả năm 2008). Do vậy, đội tàu biển Việt Nam luôn nằm trong “danh sách đen” của Tokyo Mou.
Cục Hàng hải Việt Nam đã tổng kết được 10 nguyên nhân chính dẫn đến việc lưu giữ tàu biển Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian vừa qua là:
Một là: Đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế trong thời gian vừa qua phát triển quá nhanh chóng, ra đời thêm rất nhiều các chủ tàu khai thác tàu tuyến quốc tế, đặc biệt là các chủ tàu tư nhân. Một bộ phận không nhỏ các chủ tàu này chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác tàu tuyến quốc tế. Một vài chủ tàu đã đưa các tàu chỉ được phép hoạt động trong vùng biển Việt Nam ra khai thác tuyến quốc tế, do đó việc các tàu này bị lưu giữ là không thể tránh khỏi.
Hai là: Một số chủ tàu, đặc biệt là các chủ tàu nhỏ, chưa có sự quan tâm đầy đủ đến công tác sửa chữa, bảo dưỡng và trang bị cho tàu; công tác bảo dưỡng thường xuyên để duy trì trạng thái kỹ thuật tàu không được thực hiện một cách thỏa đáng.
Ba là: Do đội tàu phát triển quá nhanh, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng trong đội ngũ sỹ quan và thuyền viên, đặc biệt là sỹ quan và thuyền viên đi tàu chạy tuyến quốc tế. Một bộ phận không nhỏ sỹ quan, thuyền viên chưa thực sự có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tính mẫn cán đáp ứng các yêu cầu công việc trên các tàu chạy tuyến quốc tế.
Bốn là: Sự hiểu biết của một số chủ tàu và sỹ quan về các quy định an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các điều ước quốc tế hết sức hạn chế.
Năm là: Đội tàu biển chạy tuyến Việt Nam chạy tuyến quốc tế quá già cũ, một số tàu được đóng mới trong thời kỳ bao cấp chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của các điều ước quốc tế. Sự bung ra của các cơ sở đóng tàu trong thời gian qua, đặc biệt là các cơ sở nhỏ của địa phương và tư nhân chưa có đủ năng lực đóng tàu chạy tuyến quốc tế, việc sử dụng các trang thiết bị cũ để đóng tàu,…cũng là nguyên nhân dẫn đến các khiếm khuyết của tàu.
Sáu là: Việt Nam đang quá thiếu các cơ sở sửa chữa tàu, đặc biệt là các cơ sở có thể sửa chữa định kỳ và trên đà các tàu biển lớn. Điều này dẫn đến việc rút ngắn thời gian sửa chữa tàu trên đà, một số tàu không được sửa chữa triệt để theo đúng quy định.
Bảy là: Do đội tàu biển Việt Nam nằm trong “danh sách đen” của Tokyo Mou, nên đội tàu Việt Nam được ưu tiên kiểm tra 100% ở các cảng quốc gia thành viên Tokyo Mou.
Tám là: Các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các điều ước quốc tế thay đổi một cách quá nhanh chóng, làm cho các chủ tàu không thể đáp ứng đầy đủ theo đúng thời hạn quy định.
Chín là: Việc tăng giá nhiên liệu, sắt thép, giá sữa chữa tàu,…trong thời gian gần đây và cước vận tải, giá thuê tàu giảm, dẫn đến một số chủ tàu phải giảm thiểu các chi phí trang bị thường xuyên, bảo dưỡng và sửa chữa tàu.
Mười là: Vẫn còn hiện tượng Đăng kiểm, Cảng vụ chưa cương quyết trong việc yêu cầu khắc phục các khiếm khuyết của tàu tại các đợt giám sát kỹ thuật, trước khi cấp giấy phép cho tàu dời cảng.
Từ những nguyên nhân trên cộng với một số giải pháp khắc phục mà Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai. Hy vọng trong 6 tháng cuối năm 2009, số lượng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài sẽ giảm đáng kể. Phấn đấu trong một vài năm nữa Việt Nam sẽ không phải nằm trong “danh sách đen” của tổ chức Tokyo Mou.